Cấp phép khai thác khoáng sản: Xuôi theo lợi ích nhóm?

“Có lợi ích nhóm trong quản lý tài nguyên, khoáng sản quốc gia”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung (ảnh), người trực tiếp thẩm tra dự luật Tài nguyên (sửa đổi) của Chính phủ, thẳng thắn cảnh báo tại phiên thảo luận dự luật này ngày 16-6.

Bên hành lang Quốc hội, ông Dung trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chung quanh vấn đề này.

Cấp phép khoáng sản: Không cho không!

. Thưa, ông nói là quản lý khoáng sản lỏng lẻo?

Cấp phép khai thác khoáng sản: Xuôi theo lợi ích nhóm? ảnh 1
+ Đúng thế! Mỏ khoáng sản ở nước ta rất phong phú nhưng là mỏ nhỏ, vài loại không quý lắm thì trữ lượng lại lớn. Đây vẫn là nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế nhưng lâu nay quản lý quá lỏng lẻo. Một số nước có chiến lược thu hút, mua gom khoáng sản về dự trữ và ta lại đi bán khoáng sản thô, thành nhà cung ứng rẻ cho nước ngoài nhưng nhà nước không thu được bao nhiêu, không đủ bù đắp thiệt hại về môi trường, đất đai, nguồn nước cũng như đời sống người dân nơi có mỏ. Nguồn lợi gần như các doanh nghiệp hưởng trọn.

Đây là vấn đề thuộc cơ chế, chính sách. Quản lý kém, không tập trung, không tăng nguồn thu và phân bổ hợp lý nên không tạo được động lực cho địa phương bảo vệ, khai thác khoáng sản.

. Ông phát biểu trước Quốc hội là trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản có lợi ích nhóm?

+ Luật hiện hành đặt ra cơ chế đấu giá khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, năm năm qua Chính phủ không hướng dẫn nên mới có chuyện nhà nước cấp phép khai thác mỏ theo kiểu xin-cho làm thất thoát tài nguyên. Thực tế các tỉnh đã cấp hơn 3.800 giấy phép khai thác mỏ và làm gì có chuyện cho không trong ấy! Phải chia sẻ lợi ích mới được cho. Cũng chính vì sự mập mờ này mà có doanh nghiệp chẳng cần đầu tư khai thác gì sất, chỉ cần bán lại cái giấy phép cũng kiếm tiền tỉ. Nhóm lợi ích là chỗ ấy…

Cấp phép khai thác khoáng sản: Xuôi theo lợi ích nhóm? ảnh 2

Tài nguyên, khoáng sản bị cạn kiệt, hiệu quả không cao do quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo. Trong ảnh: Khai thác mỏ sắt trên vùng cao. Ảnh: HTD

Mặt trái của phân cấp

. Thưa, có phải đây là hệ quả của việc việc phân cấp chưa khoa học?

+ Phân cấp quá lỏng lẻo. Chính phủ lập quy hoạch được đến đâu thì quản đến đấy, còn lại gần như là toàn quyền của địa phương. Từ khi có luật đến giờ, việc điều tra tài nguyên khoáng chỉ mới hơn 50% diện tích lãnh thổ và quy hoạch thì thấp hơn nhiều. Vì vậy với những vùng mà Chính phủ chưa quy hoạch, địa phương toàn quyền…

Việc quản lý của Chính phủ trong điều tra, quy hoạch cũng có vấn đề. Chính phủ tách mảng quy hoạch điều tra cơ bản cho Bộ Tài nguyên, còn quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản lại giao cho Bộ Công thương và Bộ Xây dựng. Khoáng sản than là minh chứng cho việc này: quản lý bị xé lẻ, quy hoạch không nghiêm túc nhưng khai thác lại ồ ạt làm thất thoát tài nguyên, tiêu cực…

. Như ông nói là quản lý tài nguyên, khoáng sản kém, lùng nhùng… Vậy ông có đồng tình với ý kiến đại biểu là cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, đợi hoàn thiện về quản lý hẵng tính?

+ Cũng khó. Ta hội nhập thì phải chịu ràng buộc về thương mại, mở cửa… Muốn hạn chế, chỉ có bằng quản lý và các hàng rào kỹ thuật, chỉ đạo về khai khoáng thôi.

Lần sửa luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị siết chặt việc cấp phép theo hướng dẹp cho được cơ chế xin-cho. Còn quy hoạch thì phân làm ba loại: Quy hoạch điều tra cơ bản, quy hoạch thăm dò khai thác chung thì giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, trình Thủ tướng phê duyệt. Còn quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thì căn cứ vào nhu cầu của ngành, giao các bộ quản lý về sản xuất lập.

Đây là đề xuất của cơ quan thẩm tra và nó khác khá nhiều so với dự thảo của Chính phủ

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm