Chất vấn bộ trưởng vụ thương lái nước ngoài

Ngày mai (1-4), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những nhóm vấn đề gây bức xúc trong nhân dân hiện nay như tình trạng thương lái nước ngoài vơ vét nông, lâm, thủy sản gây rối loạn thị trường, tình trạng buôn lậu, trách nhiệm quản lý giá điện, xăng dầu…; sự xuống cấp về y đức, lỏng lẻo trong quản lý các cơ sở thẩm mỹ… Đây được xem là những vấn đề nói đi nói lại hoài nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục một cách căn cơ. Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH xoay quanh các vấn đề trên trước thềm phiên chất vấn này.

“Báo chí phản ánh chán chê rồi mới vào cuộc”

Theo ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, việc thương lái nước ngoài vào Việt Nam tận thu mua vét nguyên liệu nông sản, thủy sản và các sản phẩm bất thường đã diễn ra từ khá lâu. Quy luật mà các đối tượng này thường thực hiện là đẩy giá lên rất cao trong giai đoạn đầu, đến khi giá cao ngất ngưởng, người dân hám lợi lao vào thu mua thì chúng lại không mua nữa mà tuồn bán ra kiếm lời rồi chạy mất.

“Nguyên nhân là do công tác quản lý của chúng ta, nhất là Bộ Công Thương còn yếu kém. Lẽ ra ngay khi có hiện tượng này thì cơ quan quản lý phải xuất hiện ngay để ngăn chặn hoặc tuyên truyền, giải thích cho người dân biết mà phòng tránh. Đằng này khi họ “lừa” xong, bỏ đi và dân lãnh đủ hậu quả rồi mới xuất hiện thì làm gì được nữa” - ông Kiêm đặt vấn đề.

 
Thu hoạch sắn bán cho thương lái nước ngoài. Ảnh: KTNT

Cùng chung nhận định, ĐB Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cũng cho rằng quản lý của ta quá yếu kém, chậm trễ trong việc ngăn chặn những hiện tượng mua bán bất thường của thương lái nước ngoài. “Cái này nói từ lâu, ĐBQH cũng đã phản ánh, chất vấn nhiều nhưng đến giờ tôi thấy cũng chưa chuyển biến khi mà những hiện tượng mua nguyên liệu nông sản bất thường, có tính chất phá hoại vẫn cứ xảy ra. Và quản lý thì vẫn cứ theo kiểu báo chí phản ánh chán chê rồi mới vào cuộc. Do đó, lần này cần phải làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ Công Thương” - bà Khá nói.

Đối với vấn đề giá điện, xăng dầu, theo ông Kiêm, việc quản lý theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống là điều tất yếu mà cần phải thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lại chưa làm được điều đó, dẫn đến khi giá thế giới giảm sâu nhưng trong nước cứ chình ình, câu giờ chưa chịu giảm. Rồi lúc giá thế giới tăng thì lại không tăng theo, đến khi nó giảm thì trong nước lại tăng để bù lỗ. “Quản lý như thế nên cử tri cứ kêu rằng các ông độc quyền, cửa quyền. Do đó, trong phiên chất vấn này, bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần phải có những thông điệp rõ ràng về giá điện, xăng dầu để cho ĐB và người dân biết”.

ĐB Trương Văn Vở, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho hay ông sẽ chất vấn Bộ trưởng Hoàng về trách nhiệm trong việc chậm sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Còn nhớ ở kỳ họp QH trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khi trả lời chất vấn bằng văn bản của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã hứa sẽ sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu trước 30-9-2013. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện. 

Thực phẩm bẩn tràn lan, ai chịu?

Một vấn đề khác cũng gây nhức nhối dư luận bấy lâu nay thuộc trách nhiệm của cả hai bộ Y tế và Công Thương cũng sẽ được các ĐBQH tập trung chất vấn trong đợt này là tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan. “Bây giờ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn được bày bán tràn lan. Thậm chí mới đây báo chí còn đưa tin một mớ mồng tơi sau khi phun thuốc kích thích vào mấy tiếng là có thể dài ra đến chục cm. Những cái đó hết sức nguy hiểm đến sự an toàn tính mạng của người dân. Vì thế cần phải chất vấn để làm rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng này, chứ không thể để trách nhiệm chung chung, mỗi bộ chịu một ít, rồi chẳng ai phải chịu cả” - bà Khá cho hay.

Mặt khác, vấn đề y đức, công tác khám, chữa bệnh tiếp tục được các ĐBQH đặt ra với bộ trưởng Bộ Y tế trong lần chất vấn này. ĐB Khá cho rằng vấn đề y đức xuống cấp là một nội dung đang gây bức xúc mạnh trong dư luận hiện nay. Nhất là việc nhiều người làm việc trong lĩnh vực này chạy đua theo đồng tiền nên có những hành xử thiếu y đức gây ra những hậu quả nặng nề khiến xã hội lên án. “Do đó, nếu bộ trưởng Bộ Y tế không quyết liệt và có những giải pháp mang tính đột phá về cơ chế trách nhiệm thì khó có thể giải quyết được vấn đề này” - bà Khá nói.

ĐB Kiêm thì cho rằng trong lần chất vấn này cần phải làm rõ các giải pháp của Bộ Y tế trong giải quyết bài toán quá tải. Bởi vấn đề này đã nói đi, nói lại hàng chục năm rồi mà đến giờ đây bệnh nhân vẫn cứ phải nằm ở hành lang, nằm ở gầm giường. Hay như chữa bệnh vượt tuyến, tại sao người ta không dám chữa ở tuyến dưới mà cứ phải lên tuyến trên. “Chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới còn kém nên người dân mới sợ” - ông Kiêm nói.

THÀNH VĂN

 

Những nội dung chất vấn

Phiên chất vấn ngày 1-4 đối với hai bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được truyền hình trực tiếp và được kết nối với tất cả đoàn ĐBQH trong cả nước. Các nội dung chất vấn như sau:

Chất vấn bộ trưởng vụ thương lái nước ngoài ảnh 2
 
+ Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thứ nhất, trả lời về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường, xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước. Thứ hai là tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước… Nội dung thứ ba là về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng dầu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, kết quả thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”…
Chất vấn bộ trưởng vụ thương lái nước ngoài ảnh 3
 
+ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trả lời về giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; thực trạng tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, xã và việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân, trong đó có cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, giá thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Các bộ trưởng khác tham gia trả lời làm rõ những nội dung trên là bộ trưởng Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, NN&PTNT cùng tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm