Chống phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân

“Các cấp ủy đảng, chính quyền cần thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải có thái độ ứng xử đúng đắn, tạo thuận lợi và quản lý sâu sát các hoạt động của kinh tế tư nhân; kịp thời động viên, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt, uốn nắn những lệch lạc, sai phạm”.

Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” do Ban Bí thư tổ chức ngày 6-4.

Tư nhân sẽ được tiếp cận vốn ODA

Ông Trương Tấn Sang yêu cầu phải cụ thể hóa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; khắc phục những nội dung chưa rõ ràng, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; điều chỉnh cơ chế phân cấp và phối hợp giữa trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về đầu tư; quan tâm, bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông thiểu số; hướng dẫn đầy đủ việc xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của luật…

Ông Trương Tấn Sang cũng yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số quy định để giải quyết những bất cập trong thực hiện chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp; sửa đổi các quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế theo hướng đơn giản hơn các thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán cho phù hợp với trình độ, quy mô, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân được vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) như các doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu bổ sung và mở rộng hình thức bảo lãnh vay cho doanh nghiệp ở những lĩnh vực mà nhà nước khuyến khích phát triển; tiếp tục rà soát, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không hợp lý; ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh ở những khu vực khó khăn, vùng núi, biên giới và hải đảo…

Chống phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân ảnh 1

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tích cực hỗ trợ các chính sách để phát triển. Ảnh: HTD

Khắc phục chuyện phân biệt đối xử

Ông Trương Tấn Sang chỉ đạo cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao trình độ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý và người lao động; triển khai tích cực và đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh cung cấp thông tin kinh tế, dự báo để hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển…

Ông yêu cầu thực hiện tốt, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, từng bước hình thành các đơn vị kinh tế tư nhân mạnh, các tập đoàn, tổng công ty lớn đủ sức góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài nước…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân về vốn, đất đai, dự án… Ông dẫn chứng: “Đợt hỗ trợ 4% lãi suất vừa qua, chỉ 5% doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề được hưởng hỗ trợ và số tiền hỗ trợ cũng ít”. “Nếu hệ thống doanh nghiệp có anh này được ưu ái hơn anh kia, thị trường méo mó, không có cạnh tranh, không có cơ hội phát triển. Như vậy không khai thác được tiềm lực vật chất, trí tuệ của toàn dân phục vụ sự phát triển của đất nước. Tôi cho đó là ảnh hưởng tiêu cực nhất” - ông Tuấn phân tích.

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm