Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Người đốt đuốc cho phong trào công nhân cách mạng

Cố học giả Trần Bạch Đằng trong một bài viết tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã gọi người thợ máy xuất thân từ vùng đất miệt vườn sông nước Cửu Long là “Một con người bình thường-vĩ đại”. Kỷ niệm 120 ngày sinh của ông (20-8-1888 – 20-8-2008) là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ một con người mà cuộc đời là minh chứng mẫu mực cho sự vận động của các phong trào cách mạng dân tộc ta trong suốt thế kỷ 20.

Từ kéo cờ trên chiến hạm France

Cù lao Ông Hổ (nay thuộc TP Long Xuyên, An Giang) là nơi sinh thành nhà yêu nước Tôn Đức Thắng. Luôn mong muốn con mình trở thành một viên chức nên từ nhỏ Tôn Đức Thắng được cha mẹ cho học chữ Nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Nhưng niềm say mê của cậu Thắng thuở thiếu thời là được nghe chuyện và đọc sách về các anh hùng, nghĩa sĩ Nam bộ như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân... Có lẽ những tấm gương lẫm liệt của các nhà yêu nước tiền bối đã sớm ngấm vào máu chàng “hai lúa” họ Tôn nên vào năm 1907, Tôn Đức Thắng đã nhất mực từ chối làm chân hầu việc cho các chức sắc ở làng, quyết chí lên Sài Gòn học việc.

Lên Sài Gòn, chàng “hai lúa” nhanh chóng hòa nhập vào đời sống học sinh, công nhân và sớm bộc lộ tư chất một người đứng mũi chịu sào. Hàng loạt sự kiện có dấu hiệu “phản loạn” mang dấu ấn của người thanh niên Tôn Đức Thắng dồn dập xảy ra làm cho nhà chức trách người Pháp ở Sài Gòn khó chịu. Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị tuyển mộ làm thợ máy, bắt đầu bước chân lên chiến hạm France rong ruổi trên đại dương mà không hẹn ngày về.

Nhưng đại dương mênh mông và điều kiện làm việc khắc nghiệt trên chiến hạm không thể làm thui chột ý chí đấu tranh của nhà yêu nước Tôn Đức Thắng. Giống như phần lớn các nghĩa sĩ Nam bộ “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, tháng 4-1919, anh thợ máy Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính Pháp và binh lính thuộc địa tham gia vụ binh biến kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen, phản đối cuộc chiến tranh chống Cách mạng Tháng Mười Nga non trẻ. Với sự kiện này, Tôn Đức Thắng trở thành người Việt đầu tiên tham gia bảo vệ Cách mạng Tháng Mười.

Đến sáng lập Công hội đỏ Sài Gòn

Không nuông được người thợ máy Việt Nam có tư tưởng “chống đối”, chính quyền “mẫu quốc” đã trục xuất Tôn Đức Thắng khỏi nước Pháp. Trở về Sài Gòn, anh liền tập hợp lực lượng, tổ chức tuyên truyền và đến năm 1920 thành lập ra Công hội bí mật - tổ chức đầu tiên của công nhân Việt Nam. Từ đó, Tôn Đức Thắng trở thành người đốt đuốc cho hàng loạt phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn, tiêu biểu là sự thắng lợi của cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son năm 1925.

Đầu năm 1927, những học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm lực lượng để gây dựng cơ sở ở Nam kỳ đã gặp được Tôn Đức Thắng. Ngay lập tức, Tôn Đức Thắng được những người cộng sản chọn làm hạt giống đỏ để gieo mầm tư tưởng cho giai cấp công nhân. Khi Kỳ bộ Nam kỳ được thành lập, Tôn Đức Thắng được cử làm ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và trực tiếp làm Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Đến những năm 1928-1929, phong trào công nhân ở Nam kỳ từ đấu tranh cho các mục tiêu kinh tế đến các mục tiêu chính trị đã dần trở thành một lực lượng chính trị độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.

Nhận thấy sự lớn mạnh của phong trào công nhân gây nguy hại đến sự thống trị của mình, tháng 7-1929, nhà cầm quyền đã vây ráp và bắt giam Tôn Đức Thắng vào khám lớn Sài Gòn. Sau đó, thực dân Pháp kết án “kẻ cầm đầu” 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo. Tại “địa ngục trần gian”, Tôn Đức Thắng và những người cùng chí hướng đã không để lãng phí thời gian, lập tức thành lập chi bộ cộng sản nhà tù Côn Đảo, chiến đấu và học tập không ngừng suốt 17 năm bị giam cầm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tôn Đức Thắng đến dự lễ khai mạc Bảo tàng Quân đội ngày 22-12-1959.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tôn Đức Thắng đến dự lễ khai mạc Bảo tàng Quân đội ngày 22-12-1959.

Và trở thành người kế nhiệm Bác Hồ

23-9-1945, khi tiếng súng kháng chiến vang lên ở Nam bộ, Tôn Đức Thắng cùng một số nhà cách mạng đã thoát khỏi sự giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Về Sài Gòn, ông trực tiếp phụ trách Ủy ban Kháng chiến chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam bộ. Đến năm 1946, ông được rút ra Hà Nội đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau. Ông từng là bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Năm 1951, ông được bầu làm chủ tịch Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam.

Sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, Quốc hội đã tín nhiệm bầu Tôn Đức Thắng làm người kế nhiệm, nhân dân mến yêu gọi là Bác Tôn. Ngày 30-3-1980, Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất, hưởng thọ 92 tuổi.

Do những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 1958, Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng phần thưởng cao quý nhất của nhà nước ta: Huân chương Sao Vàng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng vinh dự được bầu là ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới tại Hội nghị Helsinki (Phần Lan), được nhận giải thưởng Lênin “về sự nghiệp củng cố hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh “một con người bình thường-vĩ đại”, trong bối cảnh cả nước hưởng ứng cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn nhắc nhở và hối thúc chúng ta, nhất là với những người công nhân lao động Việt Nam, không ngừng nghỉ trên con đường đến dân chủ, văn minh.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm