CÁC THUYỀN VIÊN BỊ TRUNG QUỐC BẮT GIỮ

“Có dọa nạt, chúng tôi vẫn bám biển”

Đêm 25-8, sau 16 ngày bị tàu ngư chính Trung Quốc giam giữ, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thạnh (thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) cùng bốn thuyền viên tàu QB-1825 TS đã về Việt Nam.

Các thuyền viên kể lại những ngày cơ cực và khẳng định sẽ tiếp tục bám biển..

Bắt tàu, đòi tiền chuộc

Ngày 8-8, khi đang đánh bắt cá tại 17o40’ vĩ độ Bắc, 109o20’ kinh độ Đông (cách cảng Chân Mây, Thừa Thiên-Huế 110 hải lý về hướng đông bắc, thuộc vùng biển Việt Nam), tàu anh Thạnh bị tàu ngư chính của Trung Quốc bắt giữ.

Anh Thạnh kể: Khi tàu đến tọa độ trên, vừa thả hết lưới thì một tàu ngư chính mang cờ Trung Quốc tiến tới yêu cầu thuyền viên dừng đánh bắt và áp giải về đất liền.

“Đến đảo Hải Nam, chúng tôi bị một nhóm người Trung Quốc giam giữ ngay trong khoang thuyền. Ngày họ cho ăn hai bữa cơm nhưng rất ít. Anh em sống trong khoang thuyền chật chội với nỗi lo không có ngày về, ai cũng hoảng loạn, lo sợ” - thuyền viên Nguyễn Văn Tiến kể.

“Trong thời gian bị giam giữ, họ không cho tiếp xúc hay liên lạc với bất kỳ ai. Đến ngày thứ 10, một thông dịch viên Trung Quốc xuống hầm giam nói là chúng tôi vi phạm chủ quyền đánh bắt cá trên biển. Và đề nghị ký tên vào biên bản nộp phạt 6.250 USD mới được thả tự do về nước” - anh Thạnh nói.

Bảy ngày sau khi chồng bị bắt, vợ anh Thạnh nhận một cuộc điện thoại từ Trung Quốc yêu cầu chuẩn bị 6.250 USD để chuộc anh Thạnh và thuyền viên về. “Họ cho số tài khoản và yêu cầu gia đình gửi tiền. Nhà nghèo, tiền đi biển chuyến trước của chồng đã mua hết sách vở cho con. Tôi chạy vạy mượn vẫn không đủ nên cắn răng vay vốn ngân hàng để người ta thả chồng tôi” - vợ anh Thạnh nói.

Khi chị Hằng gửi tiền vào số tài khoản do Trung Quốc đưa ra thì ngân hàng thông báo giao dịch không thành công. Nhờ vào mối quan hệ quen biết với một người phụ nữ đi biển, chị Hằng gửi nhờ số tiền ấy cho thuyền Trung Quốc. “Lúc đó gấp quá rồi, tôi và người thân trong gia đình không còn sự lựa chọn nào khác hơn. Rủi may nhờ số trời vậy” - gia đình anh Thạnh nói.

“Vẫn tiếp tục đi biển…”

Đến ngày 24-8, chúng tôi được phía Trung Quốc quyết định thả tự do về nước. Anh em chúng tôi yêu cầu ngư chính Trung Quốc cung cấp lương thực, nước ngọt đủ dùng để tàu trở về nhưng họ không cho mà còn lấy hết năm tấn cá (trị giá 40 triệu đồng) đánh bắt được, cùng tất cả ngư cụ, dây neo và máy móc trên tàu” - anh Thạnh cho biết.

Tàu gần như trống trơn, chỉ có gần 220 lít dầu DO để quay trở lại cảng biển Nhật Lệ. “Lần cuối cùng khi tàu sắp rời bến, chúng tôi nói họ bỏ lại dây neo phòng khi trên biển có giông bão sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, mọi thứ cần thiết cho nghề cá và đi lại trên biển đều bị tịch thu, đưa lên bờ, anh em thở dài ngao ngán” - một nạn nhân cho biết.

Trong ngôi nhà nhỏ, anh Thạnh khẳng khái: “Từ bao đời nay, người dân Bảo Ninh đã xem biển là nhà, bám biển để mưu sinh. Dù họ có bắt giữ, dọa nạt chúng tôi thế nào chăng nữa thì con thuyền của làng cát Bảo Ninh vẫn vươn ra với biển. Đời tôi, con tôi và cháu tôi cũng sẽ bám biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Gia đình sẽ tiếp tục vay mượn, mua sắm lại ngư cụ cho thuyền ra khơi”.

Ngay sau khi nhận được thông tin tàu cá QB-1825 TS bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để thông báo và đề nghị hai cơ quan này báo cáo với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét, xử lý sự việc đúng theo quy định và tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ hai nước.

NGUYỄN THANH TUẤN - P.NHA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm