HỘI NGHỊ SƠ KẾT LUẬT CÔNG CHỨNG:

Công chứng còn tiềm ẩn rủi ro

Công chứng còn tiềm tàng rủi ro, làm cách nào để giảm thiểu các rủi ro có thể gặp… được các đại biểu mang ra trao đổi tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định 79/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực… tại phía Nam ngày 17-1.

Theo bà Nguyễn Thị Tạc, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Thị Tạc, đã có một số khách hàng sử dụng giấy tờ giả rất khó nhận biết để công chứng. Khi phát hiện, các cơ quan chức năng xử lý chưa thỏa đáng hoặc không xử lý nên việc này xảy ra ngày càng nhiều. Có hiện tượng người dân dùng một giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất để giao dịch tại nhiều tổ chức công chứng mà nếu không liên lạc với nhau rất dễ “dính”. Dù TP.HCM có mạng thông tin nội bộ nhưng đang trong thời kỳ sơ khai, chưa đáp ứng hết được nhu cầu thông tin của các tổ chức công chứng.

Còn ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm mà địa phương này áp dụng và có hiệu quả: Sở tổ chức hội thi công chứng hằng năm để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Trong thời gian tới, Sở sẽ nâng cấp mạng thông tin nội bộ tích hợp nhiều chức năng như ngăn chặn, giải tỏa, lịch sử giao dịch của tài sản. Không chỉ kết nối giữa các tổ chức công chứng mà còn kết nối với nhiều cơ quan chức năng khác có liên quan như thi hành án, tòa án… Từ đó phục vụ thông tin cho các tổ chức công chứng trên địa bàn TP.HCM và các cơ quan liên quan. Sở phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM) mở lớp kỹ năng nhận dạng chữ viết, chữ ký, dấu vân tay… cho công chứng viên.

Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chia sẻ kinh nghiệm: Đà Nẵng chưa có mạng liên kết chia sẻ thông tin nên các tổ chức công chứng tại Đà Nẵng đã lập ra câu lạc bộ để phối hợp, giúp đỡ nghiệp vụ…

Gút hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Quốc hội chỉnh sửa một số quy định, luật cho phù hợp hơn…

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm