Đại biểu Quốc hội hiến kế chống lạm phát

Nhiều đại biểu đề nghị cần thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng thương mại.

Đại biểu Quốc hội hiến kế chống lạm phát ảnh 1

Đại biểu Lê Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng công tác dự báo hiện nay quá yếu. Ảnh TV

Lạm phát: Thuế vô hình móc túi người dân

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng chống lạm phát của chúng ta mới chỉ dừng lại ở các giải pháp, chủ trương, chính sách ngắn hạn, tính ổn định không cao. Ví như năm 2008, Chính phủ tung tiền ra mua 4 tỉ đôla dẫn đến hệ lụy là tiền nhiều dẫn đến lạm phát. Năm 2009 lại chuyển sang thắt chặt, rồi sau đó lại chuyển sang nới lỏng. Tiếp đó, năm 2010, chúng ta lại tiếp tục say mê với tăng trưởng nên tín dụng lại được nới lỏng. Tất cả những cái đó dồn tích lại và hậu quả là năm 2011 lạm phát tăng cao khiến cho giờ đây chúng ta phải thắt lại tăng trưởng tín dụng.

“Lạm phát hiện nay như là một thứ thuế móc túi người dân. Với tình hình này, dự kiến CPI năm nay sẽ khoảng 20%. Năng lực dự báo xây dựng của chúng ta thế nào mà lại để xảy ra tình trạng như thế. Chúng ta cứ thắt rồi lại nới lỏng tín dụng, rồi lại nới - thắt và lại thắt - nới, như thế thì rất khó trong việc hoạch định chính sách cũng như ổn định phát triển kinh tế” - ông Thụ đặt vấn đề.

Đây cũng là nhận định của rất nhiều đại biểu QH. Đại biểu Lê Thanh Hải (TP.HCM) cũng cho rằng năng lực dự báo hiện nay của Việt Nam là quá yếu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là do cung tiền ra quá nhiều. Từ năm 2006, lượng tiền tăng thêm chóng mặt, tổng hai năm 2006 và 2007 là 80%, dẫn đến giá cả tăng, thêm vào đó là bong bóng thị trường bất động sản, chứng khoán cũng tăng lên đỉnh cao (năm 2007)…

Đề xuất thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng

Cũng theo ông Thụ, trong thời gian qua, chúng ta thực hiện quá nhiều các giải pháp mang tính chất hành chính. Cụ thể là việc khống chế lãi suất huy động nhưng đầu ra thì lại thả nổi.

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần cho thanh tra, xử lý vi phạm về lãi suất của các ngân hàng và tạo thêm hành lang pháp lý chặt chẽ để kéo lãi suất huy động về 14% và lãi suất cho vay 17% là hợp lý” - đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Đồng tình với đề xuất này, ông Thụ nhấn mạnh: “Đã là pháp luật, là quy định thì phải xử lý nghiêm. Vì nếu không làm nghiêm sẽ dẫn đến hình thành thị trường ngầm, thị trường cho vay nóng”. Đại biểu Trương Thị Ánh
(TP.HCM) cũng tán thành việc thanh tra, kiểm tra hệ thống NHTM để tránh đổ vỡ, ảnh hưởng đến lòng tin của dân.

Trị hết bệnh mới mong phục hồi

Tự nhận là không có chuyên môn về kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cảm nhận tình trạng nền kinh tế hiện nay giống như người bệnh và có hai việc phải làm là trị cho hết bệnh và phục hồi sức khỏe. Việc chữa bệnh hiện nay vẫn đang tiếp tục và chưa hết bệnh để chuyển giai đoạn hồi sức. Theo ông Nghĩa, muốn chữa hết bệnh cần phải tìm ra nguyên nhân sâu xa và chủ quan. “Đầu tư kém hiệu quả, lãng phí và tham nhũng đó là nguyên nhân chủ quan của chúng ta. Sức cạnh tranh chúng ta yếu vì chi phí trung gian lớn. Đây chính là lãng phí gây kém hiệu quả đầu tư. Trong đó phải kể đến khu vực công” - ông Nghĩa nói.

Đại biểu Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lưu ý đến giải pháp căn cơ là tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong đó chú ý đến việc đẩy mạnh xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao để tạo nên sự bền vững.

Nhiều đại biểu khác lưu ý đến các giải pháp chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt là đối với đời sống của công nhân lao động, đối tượng chính sách và giáo viên. Tuy nhiên, các chính sách như hỗ trợ, miễn giảm thuế… cần phải xác định rõ đối tượng để tránh tình trạng cào bằng.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP.HCM, cũng nêu giải pháp trước mắt là kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, ông Lịch cảnh báo nếu chỉ chú tâm giải quyết lạm phát thực tế mà không giải quyết được lạm phát kỳ vọng, tức là tâm lý chờ đợi lạm phát trong làm ăn, thì việc đối phó với lạm phát cao sẽ còn tiếp diễn đến năm 2012.

Họ đã nói

Ngân hàng yếu thì phải chết

Cần mạnh tay để thúc đẩy, thúc ép tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc này cần phải làm vì chúng ta là một nền kinh tế nhỏ bé, quy mô nền kinh tế chỉ có hơn 100 tỉ đôla nhưng số lượng ngân hàng lại lớn nhất nhì khu vực. Điều này khiến cho thế giới rất ngạc nhiên và băn khoăn vì sao chúng ta lại có nhiều ngân hàng đến vậy? Lẽ ra, trong thời điểm khó khăn này các ngân hàng nhỏ cũng phải theo quy luật như các doanh nghiệp, nghĩa là ông nhỏ, ông yếu thì cũng phải chết. Chúng ta phải mạnh tay, có những chỗ không thể nể nang.

Tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư BÙI QUANG VINH

T.VĂN - T.HẰNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm