Đổi mới toàn diện tư duy về chính quyền địa phương

Tổng hợp góp ý của các bộ, ngành, địa phương về Hiến pháp (HP) cho thấy liên quan đến các nội dung về chính quyền địa phương (CQĐP), nổi lên là các vấn đề về phân định đơn vị hành chính lãnh thổ; giải mã khái niệm CQĐP và mô hình CQĐP; quy định thế nào về nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP và cơ chế kiểm soát của trung ương; xác định tính chất của HĐND cũng như xét lại tên, nguyên tắc vận hành của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Tất cả các vấn đề này một lần nữa được Chính phủ (CP) thảo luận trong phiên họp chuyên đề về dự thảo HP, cuối tháng 3 vừa qua.

Tách, nhập tỉnh phải hỏi ý dân

Kết quả, CP thống nhất kiến nghị tách Điều 115 dự thảo HP sửa đổi thành hai điều. Một về đơn vị hành chính lãnh thổ, kế thừa HP hiện hành, xác định nước chia thành tỉnh, TP trực thuộc trung ương; tỉnh chia thành huyện, TP, thị xã; TP trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn; TP thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường. Ngoài ra, bổ sung nguyên tắc mới là việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải trên cơ sở tiêu chí luật định và phải lấy ý kiến nhân dân địa phương.

Đổi mới toàn diện tư duy về chính quyền địa phương ảnh 1

Đại biểu HĐND TP.HCM chất vấn trong một phiên họp. Ảnh: HTD

Điều còn lại, được tách ra, tập trung quy định về tổ chức CQĐP, theo hướng không nhất thiết đơn vị hành chính lãnh thổ nào cũng phải có cả HĐND và cơ quan hành chính nhà nước, tạo độ mở cho luật quy định linh hoạt về mô hình tổ chức từng cấp đơn vị hành chính lãnh thổ phù hợp với đặc thù đô thị, nông thôn. 15/25 thành viên CP biểu quyết tán thành phương án CQĐP gồm HĐND và cơ quan hành chính nhà nước được lập ở tỉnh, TP, thị xã, thị trấn và xã, còn các đơn vị hành chính lãnh thổ khác do luật định.

CP cũng thống nhất rằng điều khoản này đồng thời phải thể hiện nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP trong việc vừa thực hiện nghiêm minh HP, pháp luật của trung ương trong nhà nước Việt Nam đơn nhất, vừa chủ động và có đủ thẩm quyền do HP và luật định để quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp. Trên cơ sở hiến định như vậy, Luật Tổ chức CQĐP, Luật Tổ chức CP tới đây sẽ được ban hành, sửa đổi cùng với các luật khác cụ thể hóa, xác định rõ loại việc nào do chính quyền trung ương quyết định và tổ chức thực hiện, loại việc nào do CQĐP quyết định và thực hiện, và cả những việc trung ương - địa phương cùng thực hiện theo phân cấp.

Không quy định HĐND là cơ quan quyền lực

Về vị trí, tính chất, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND, 24/25 thành viên CP cho rằng không nên quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Lập luận rằng việc giữ lại quy định cũ của HP hiện hành dễ tạo nhận thức không thống nhất, thiếu chuẩn xác về địa vị pháp lý của HĐND. Trong nhà nước đơn nhất không thể phân chia quyền lực nhà nước thành quyền ở trung ương và quyền ở địa phương. Ở trung ương cũng như địa phương, cả cơ quan đại diện dân cử lẫn cơ quan hành chính (hành pháp), tư pháp đều thực hiện quyền lực nhà nước theo hiến định.

Riêng về cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương - lâu nay gọi là UBND - CP cho rằng HP chỉ nên xác định nguyên tắc chung. Còn việc định danh và xác định cụ thể chế độ làm việc... thì dành cho luật định nhằm dự liệu cho việc đổi mới tổ chức CQĐP, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước. Điều này phản ánh ý kiến đa dạng của các bộ, ngành địa phương, trong đó một số cho rằng nên đổi tên UBND sang Ủy ban hành chính; chuyển từ hoạt động theo chế độ tập thể hiện tại sang chế độ thủ trưởng hoặc tăng thẩm quyền người đứng đầu. Chưa kể, có những đề xuất về việc quy định mở để có thể hình thành trong tương lai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chẳng hạn áp dụng cho huyện đảo Phú Quốc.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm