Đồng Nai: Tạo cơ chế cho người phát ngôn... nói

Hôm qua (6-8), UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo với chủ đề: “Tác nghiệp của nhà báo và vai trò, trách nhiệm của người phát ngôn ở Đồng Nai”.

“Vì sao chọn chủ đề này? Đó là Luật Báo chí đã thực thi nhưng tác nghiệp của nhà báo ở Đồng Nai vẫn còn khó khăn. Mặt khác, việc lãnh đạo, quản lý nhà nước ở địa phương cũng khó khăn do tác động của báo chí. Quy chế và danh sách người phát ngôn ở Đồng Nai đã được ban hành nhưng người phát ngôn ở các cơ quan, đơn vị vẫn chưa nhận thức đầy đủ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, chưa được hướng dẫn, bồi dưỡng nhiệm vụ của người phát ngôn”. Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, chủ trì buổi họp báo, phát biểu khai mạc.

Khi người phát ngôn “né”

Nhà báo Ngô Sơn, Báo Lao Động, đề cập đến tinh thần trách nhiệm của người phát ngôn. Bản thân nhà báo này khi tác nghiệp vụ “Voi rừng chết ở lâm trường La Ngà” đã hai lần gặp người có trách nhiệm là chi cục trưởng kiểm lâm nhưng ông này không trả lời mà “vận dụng” quy chế người phát ngôn để đẩy cho ông Phạm Văn Dung, Chánh văn phòng UBND tỉnh. Thế nhưng khi nhà báo Sơn liên hệ ông Dung thì được nhận câu trả lời là bận họp.

Tương tự, khi thực hiện đề tài “Vụ 26 lô đất đường Đồng Khởi”, nhà báo Kim Cương (Người Lao Động) đã nhiều lần liên hệ, đăng ký gặp người phát ngôn để trao đổi. Thế nhưng ông chỉ nhận được những cuộc hẹn và rồi thất hẹn. Cuối cùng, người phát ngôn cho biết vụ việc này chưa thể trả lời báo chí được. Không còn cách nào khác, nhà báo Kim Cương phải viết bài dựa trên tư liệu, hồ sơ mình thu thập được mà không có ý kiến của cơ quan thẩm quyền ở tỉnh Đồng Nai.

Cũng vậy, năm 2008, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Khi người điên bán đất ở Trảng Dài, Đồng Nai” phản ánh lãnh đạo UBND phường Trảng Dài sai phạm trong việc đăng ký, quản lý đất đai và UBND tỉnh dựa trên căn cứ này để cấp giấy đỏ gây thiệt hại cho nhiều hộ dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Khi phóng viên liên hệ người phát ngôn để có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai thì người phát ngôn im lặng!

Không nói cũng không sao

Ông Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, phân tích: Người phát ngôn không nói bắt nguồn trước hết từ nhận thức của người phát ngôn ở một số đơn vị chưa đồng đều, việc nắm bắt các quy định pháp luật chưa rõ. Nhiều nơi, người phát ngôn chưa được phát huy vai trò nhằm cung cấp thông tin đảm bảo tính pháp lý cho báo chí.

Thứ hai, nhiều cơ quan, đơn vị chưa có quy chế phối hợp giữa các phòng ban trong việc cung cấp thông tin, dẫn đến người phát ngôn bị động, không đủ thông tin để cung cấp cho báo chí. Thứ ba, người phát ngôn thiếu chuyên môn hoặc chưa nắm rõ vụ việc khiếu nại, chưa có sự phân quyền rõ ràng nên không dám cung cấp thông tin hoặc không đủ thẩm quyền trả lời báo chí về những vấn đề phức tạp.

Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai, cũng cho rằng do người phát ngôn phải hoạt động kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn nên việc phát ngôn thiếu hiệu quả. “Không ít người phát ngôn máy móc, thiếu trách nhiệm, thậm chí tránh né trả lời báo chí. Trong quy chế người phát ngôn thì vẫn chưa có chế tài khi người phát ngôn không nói” - ông Tới nói.

Người phát ngôn phải phát

“Cần hoàn thiện quy chế người phát ngôn để người phát ngôn phải nói. Chứ người phát ngôn không nói là thua” - ông Đào Văn Lừng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí-xuất bản, phát biểu sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà báo cũng như các cơ quan chức năng ở Đồng Nai.

Ông Mai Sông Bé đề nghị cần phải phân công người phát ngôn đến cấp phòng chứ một sở chỉ có một người phát ngôn là chưa đủ. Mô hình này Công an tỉnh Đồng Nai đang làm rất tốt... “Ngoài ra, cần phải mở lớp tập huấn bởi người phát ngôn không chỉ thông tin sự kiện mà còn là người PR (quan hệ công chúng - PV) có nghề để làm bật lên hình ảnh, sự thân thiện của cơ quan mình” - ông Bé nói.

Ông Huỳnh Văn Tới “gút”: “Cần tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp tốt hơn và người phát ngôn có trách nhiệm hơn để cùng hướng tới mục tiêu chung là tuân thủ pháp luật và định hướng dư luận”. Ông Tới đề nghị trong quá trình hoàn thiện quy chế người phát ngôn, UBND tỉnh cần nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải thực hiện nghiêm túc quy chế người phát ngôn, nơi nào làm tốt thì khen thưởng, nơi nào vi phạm thì xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm