Đừng đợi báo chí hỏi mới cung cấp tin

“Nơi nào làm tuyên giáo tốt tức là đã thực hiện nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực…”. Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2009 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2010 ngày 25-2.

Cũng theo Phó Bí thư Nguyễn Văn Đua, để công tác tuyên giáo thực sự là cầu nối giữa Đảng và người dân, trong năm 2010 TP cần tập trung tuyên truyền các sự kiện quan trọng tích cực hơn nữa. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học và làm theo gương Bác nhằm phát huy dân chủ, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong dư luận.

Biển, đảo được quan tâm hơn

Theo ông Nguyễn Trung Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, những nội dung trong công tác tuyên giáo được đặc biệt chú ý trong năm qua là tuyên truyền tới đông đảo người dân về kết quả phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt-Trung; thông báo kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác bô-xít giai đoạn 2007-2015; tuyên truyền về biển, đảo; người Việt ưu tiên dùng hàng Việt…

“Năm 2008, tỉ lệ người dân TP quan tâm đến vấn đề biển, đảo là 16,12% thì năm 2009 đã tăng lên 33,80%. Con số đó cho thấy tình hình biển, đảo và những thông tin liên quan tới biển Đông đã được thường xuyên thông tin tới người dân” - ông Trực khẳng định.

Đừng đợi báo chí hỏi mới cung cấp tin ảnh 1

Hát về Trường Sa thân yêu là một trong những chương trình làm cầu nối cho người dân quan tâm hơn về biển, đảo. Ảnh: HTD

Cũng theo ông Trực, chủ động tuyên truyền và tuyên truyền tốt sẽ tạo được niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, công tác tuyên giáo nhìn chung vẫn còn lúng túng, bị động trước một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm. “Những bị động đó phát sinh từ sự thiếu dự báo, nắm bắt tư tưởng dẫn đến phản ứng chậm và không kịp thời” - ông Trực nhận xét.

Báo chí đóng vai trò phản biện

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đua đã đánh giá cao lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên làm tuyên giáo tại cơ sở. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cũng được đánh giá là lực lượng quan trọng, không thể thiếu trong công tác chuyển tải thông tin chính trị tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Báo chí là kênh quan trọng trong cung cấp thông tin, phản ánh nhân tố mới, đồng thời đóng vai trò phản biện xã hội, mở rộng dân chủ…” - ông Đua khẳng định.

Theo Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng Trần Thế Tuyển, báo chí là kênh thông tin nhanh nhất. Do đó, Ban Tuyên giáo phải thu hút được lực lượng báo chí, phát huy báo chí một cách chủ động, mạnh mẽ, kịp thời để nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu.

“Cần chủ động trong dự báo, cung cấp thông tin cho báo chí chứ đừng đợi đến lúc báo chí phải tìm đến hỏi thì mới cung cấp thông tin” - ông Tuyển nói.

Trong năm 2010, trọng tâm công tác ngành tuyên giáo vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền về biên giới, biển, đảo, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, nâng cao kỹ năng đội ngũ cán bộ. Cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo phương châm “tích cực học tập, nỗ lực làm theo”; đồng thời tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng TP lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Cán bộ đã giảm phiền hà

Theo số liệu điều tra từ phòng Nghiên cứu dư luận xã hội (thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM), trong năm 2009, cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có tác động tích cực trong chuyển biến ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Cụ thể, 60% cán bộ đã giảm phiền hà trong giải quyết công việc cho dân; 42,88% giảm bớt quan liêu, xa rời quần chúng; 53% cán bộ nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc.

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm