Đường sắt cao tốc: Lo gánh nặng nợ nần!

Mới có 11 nước dám làm

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đến nay mới chỉ có 11 nước dám làm đường sắt cao tốc. Đa phần các nước làm với độ dài 95-417 km, riêng Nhật Bản và Pháp có đường sắt cao tốc dài trên 1.500 km. Trong khi đó, dự án ở ta có chiều dài đến hơn 1.500 km, tổng mức đầu tư dự án đến gần 56 tỉ USD. Vì thế sẽ là một thách thức lớn.

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ chính phủ đã ở mức trên 42% GDP. Trong khi đó, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án trên sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể. Ủy ban cũng cho rằng tờ trình của Chính phủ và báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của dự án. Nhất là do thời gian thực hiện diễn ra trong khoảng 25 năm nên rất có thể xảy ra những rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư.

Trước đó, tại hội thảo về dự án này ngày 11-5, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng đã cảnh báo: “Hai năm trước, ước tính đầu tư cho dự án 33 tỉ USD, đến nay đã tăng lên hơn 55 tỉ và năm năm nữa có thể sẽ tới 100 tỉ USD!”.

Đường sắt cao tốc: Lo gánh nặng nợ nần! ảnh 1

Theo ước tính, tổng mức đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam gần 50 tỉ USD. Trong ảnh: Một đường sắt cao tốc ở Pháp. Ảnh: CTV

Cần làm rõ hiệu quả kinh tế

Siêu dự án

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 55,8 tỉ USD, thời gian khởi công dự kiến là 2012. Chiều dài toàn tuyến hơn 1.500 km với 27 ga, vận tốc chạy tàu 300 km/giờ. Tổng diện tích đất thu hồi là 4.170 ha, gần 10.000 hộ gia đình phải di dời tái định cư.

Theo báo cáo đầu tư của dự án, hiện có khoảng 195 triệu khách/năm và mới chỉ đáp ứng được 138 triệu, còn 57 triệu hành khách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra chỉ rõ: Lấy gì đảm bảo tất cả 57 triệu hành khách nói trên sẽ lựa chọn đường sắt cao tốc? Nếu giá vé tàu cao tốc bằng 75% giá vé máy bay thì rất nhiều người không có khả năng sử dụng phương tiện này. Chưa kể, khi hàng không giá rẻ phổ biến thì mức độ cạnh tranh với đường sắt cao tốc là rất lớn. Có ý kiến lưu ý, vì dự án chỉ đề ra vận chuyển hành khách, không vận chuyển hàng hóa nên cũng ảnh hưởng tới thu hồi vốn đầu tư và dư thừa năng lực quá nhiều so với thiết kế. Báo cáo đầu tư của dự án cũng chưa nêu rõ việc duy tu, bảo trì, sửa chữa trong quá trình khai thác và vận hành, khả năng cung cấp năng lượng của lưới điện quốc gia cho các đoàn tàu.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ phải bổ sung, phân tích đầy đủ nợ quốc gia hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát. Đồng thời, làm rõ tính hợp lý trong dự toán vốn, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; chi phí cho việc bảo đảm vận hành đoàn tàu ổn định...

Quốc hội quyết thì mới bàn đến vay vốn

Nếu Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì nhiệm vụ sắp tới phải bàn cụ thể với đối tác là khả năng mình vay được vốn, lãi suất, thời gian vay… ra sao. Hiện đối tác cũng đang chờ. Có thể nói đây là một dự án cực lớn, chiếm 50% GDP một năm của đất nước. Tuy nhiên, theo tính toán khả năng phát sinh vốn đầu tư sẽ không lớn. Nếu có tăng cũng chỉ ở khâu giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải HỒ NGHĨA DŨNG

Dư nợ Chính phủ sắp tới giới hạn cho phép

Bội chi ngân sách trong hai năm vừa qua đều vượt quá giới hạn cho phép. Chúng ta đặt kế hoạch trung hạn là bội chi ngân sách dưới 5% nhưng năm 2009 đã lên tới 6,9% và năm nay dự kiến 6,2%. Cạnh đó, mức tăng dư nợ Chính phủ nhanh, mỗi năm tăng từ 3% đến 4%. Năm 2010, dự tính dư nợ Chính phủ lên tới 44,6%, nghĩa là chỉ còn một khoảng rất ngắn nữa là tới sát mức giới hạn an toàn cho phép (50%).

Việc đầu tư những dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc-Nam là cần thiết. Nhưng quan trọng nhất là dự án đó phải hiệu quả và có khả năng trả nợ, làm sao dư nợ Chính phủ và quốc gia nằm ở giới hạn cho phép.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách PHÙNG QUỐC HIỂN

Nợ 24 nghị định. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất là trong xây dựng thể chế, triển khai, kiểm tra thực hiện các chính sách và trong điều hòa, phối hợp giữa các ngành, các cấp. Đặc biệt, chính phủ vẫn còn nợ 24 nghị định hướng dẫn thực hiện các luật và pháp lệnh. VT

Công khai việc “bấm nút”. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị công khai danh tính đại biểu khi “bấm nút” biểu quyết để cử tri giám sát đại biểu có thực sự thể hiện ý nguyện của mình hay không. Theo ông Quốc, việc công khai cũng để tránh trường hợp biểu quyết ở hội trường với hai điều luật mà tổng sĩ số khác nhau, do có người… bấm hộ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thừa nhận “có trường hợp đại biểu bên cạnh bấm hộ nhau” nhưng ông cũng cho biết nội dung nào biểu quyết công khai, nội dung nào bỏ phiếu kín phải xin ý kiến Quốc hội. ĐB

Thông qua 10 luật. Theo chương trình dự kiến, kỳ họp này diễn ra từ 20-5 đến hết 19-6. Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật và hai nghị quyết (Luật Ngân hàng Nhà nước VN sửa đổi; Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; Luật Thuế nhà, đất; Luật Thi hành án hình sự; Luật An toàn thực phẩm…); cho ý kiến về sáu luật khác. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam; cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội; xem xét, quyết định về công tác nhân sự (nếu có). Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn; giám sát chuyên đề về giáo dục đại học. Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm… cũng được Quốc hội xem xét. V.TIẾN

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm