Giá cả tăng nhưng trong tầm kiểm soát

Ngày 19-3, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “quay” Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng về những vấn đề sát sườn với người dân như lạm phát, giá cả, xăng dầu, tai nạn lao động…

Lạm phát: Đừng chủ quan

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao trong quý I, ước tính tăng khoảng 4%, chiếm 60% chỉ tiêu do Quốc hội đề ra cho cả năm (7%). Cạnh đó, theo quy luật thì tháng 3 chỉ số này sẽ giảm nhưng năm nay lại tăng 0,65%, liệu có thực hiện được chỉ tiêu của Quốc hội?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh lý giải: Giá cả tăng trong hai tháng đầu năm là bình thường, không đột biến, trong vòng kiểm soát. Điều chỉnh giá điện, than tác động không lớn đến CPI. “Tôi nghĩ có đủ điều kiện khống chế được. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều biện pháp bình ổn, từ nay đến hết năm 2010 không điều chỉnh giá điện, giá than bán cho điện…”.

Với giá xăng dầu, đại biểu Phùng Quốc Hiển nêu: Chính phủ ban hành Nghị định 84 cho phép 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu quyết định giá. Petrolimex chiếm 70% thị trường, có phải Petrolimex vừa độc quyền vừa quyết định giá? Bộ có cơ chế gì để công khai, minh bạch, kiểm soát giá xăng dầu?

Ông Ninh giải trình: “Chúng tôi không chuyên lắm về độc quyền nhưng không có chuyện doanh nghiệp bán phá giá, tất cả phải phù hợp với quy định và diễn biến thị trường…”.

Giá cả tăng nhưng trong tầm kiểm soát ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc  chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Về định mức hao hụt xăng dầu trong kinh doanh, đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chất vấn: Kiểm toán nhà nước phát hiện định mức thất thoát (tính vào giá thành) theo thông tư của Bộ Thương mại từ năm 1986. Đến nay công nghệ chống tiêu hao thất thoát đã cải tiến mà vẫn áp dụng trong khi phải bù lỗ hàng ngàn tỉ đồng cho xăng dầu?

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đính chính: Bộ Công thương không ban hành định mức nói trên, mà Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ban hành. “Với việc cải tiến kho bãi, vận chuyển, thiết bị đo đếm, định mức tiêu hao chắc chắn giảm. Nhưng xin phép tôi sẽ báo cáo lại vì chưa kiểm tra”.

Lỗ ở Pacific Airlines không có lỗi của Bộ?

Liên quan đến việc quản lý vốn ở Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (JPA), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Từ năm 1991 đến năm 2005, Pacific Airlines lỗ lũy kế 360 tỉ đồng, nợ không có khả năng thanh toán 340 tỉ đồng và âm vốn 320 tỉ đồng. “Công ty này đúng ra là phải phá sản” - ông nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) chất vấn: Công ty thua lỗ 14 năm, Bộ Tài chính tiếp nhận tái cơ cấu, tiếp tục lỗ. Bộ trưởng từng nói “đúng ra phải cho phá sản”, tại sao không làm “đúng ra” này? Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình hỏi: Trước đây chưa có Luật Phá sản thì nói “doanh nghiệp chết không chôn được”. Pacific Airlines thua lỗ liên tục, tại sao đã có luật mà không cho phá sản, cứ cứu?

Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích: Bộ từng đặt phương án phá sản. Nhưng khi định giá cũng có nhiều người muốn mua, khả năng phát triển được. Sau khi dẫn các số liệu về doanh nghiệp này, ông Ninh nói: “Mấy tháng vừa rồi JPA hoạt động có lãi”.

Về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông phân trần: Pacific Airlines là công ty cổ phần, hội đồng quản trị chịu trách nhiệm, Bộ Tài chính không can thiệp được. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã củng cố lại Pacific Airlines như thay tổng giám đốc, giảm nhân sự trong nước và nước ngoài, xây dựng chế độ tiền lương hợp lý… Năm 2009 đã tiết kiệm được 6 triệu USD…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Tôi còn yếu kém…”

Trong báo cáo về phần tai nạn lao động tại công trình xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là ở các TP lớn. Tai nạn lao động tăng dần theo các năm.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) chất vấn: Tỉ lệ tai nạn lao động ở các công trình tăng cao, trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào? Xin cho biết những giải pháp khắc phục thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết trong xây dựng chính sách, Bộ đã xây dựng, ban hành trên 1.000 quy chuẩn trong thiết kế, thi công, vận hành công trình… nhưng vẫn xảy ra tai nạn vì lỗi của chủ sử dụng lao động, thậm chí cả người bị nạn …

Không hài lòng, đại biểu Mã Điền Cư yêu cầu bộ trưởng nói rõ những yếu kém trong ban hành văn bản. Ông Quân thừa nhận: “Tôi nghĩ tôi không giỏi, còn thiếu sót, yếu kém. Tiêu chuẩn ban hành chưa đủ, phải rà soát, cập nhật. Nếu có yếu kém, cấp trên của tôi, Quốc hội, xã hội sẽ đánh giá”.

Với những nội dung trả lời trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã gút: Chính phủ không nên quá chủ quan mà không chú ý bình ổn giá. Tăng 3% của 100 đồng khác với 3% của 120 đồng. Chính phủ cũng lưu ý về thời điểm, cách điều chỉnh để không gây nên giá cả tác động liên hoàn… Ông yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành lưu tâm những vấn đề đại biểu nêu để báo cáo kết quả với đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tới.

Có thẩm phán tiêu cực nhưng không phổ biến

Với con số kháng nghị 818 vụ giám đốc thẩm vì vi phạm tố tụng, sai nội dung; tranh chấp đất đai bị tòa án cấp phúc thẩm hủy 4%, sửa 7,5% trong năm 2009, đại biểu Nguyễn Văn Thuận chất vấn: Có phải do thủ tục thu thập chứng cứ, chứng minh chưa đúng hay do cố ý từ phía thẩm phán?

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thẳng thắn: Không loại trừ nguyên nhân chủ quan, tiêu cực từ phía thẩm phán nhưng không phổ biến. Có thẩm phán bị xử lý hình sự chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Với án bị hủy, sửa một phần nguyên nhân là do viện kiểm sát không tham gia vụ án tranh chấp dân sự trong khi có nhiều vụ tranh chấp đất đai bức xúc kéo dài...

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm