Hai giờ chuẩn bị, chạy lũ kịp không?

Như Pháp Luật TP.HCMngày 3-8 đã thông tin, theo quy định của quy trình vận hành liên hồ, trước khi vận hành cửa xả lũ đầu tiên, các nhà máy thủy điện phải thông báo cho tỉnh trước 2 tiếng đồng hồ. “Cơ chế 2 giờ” này liệu có kịp để dân và địa phương ứng phó chạy lũ?

Hai giờ chuẩn bị, chạy lũ kịp không? ảnh 1

Xả lũ ồ ạt trên sông Ba Hạ ngày 31-7. Ảnh: TẤN LỘC

Dân: Cuống cuồng

Tiêu điểm

Huyện Tây Hòa, Phú Yên có sáu xã nằm ven sông Ba, trong đó có bốn xã thuộc vùng xung yếu chịu ảnh hưởng trực tiếp mỗi khi thủy điện xả lũ. Toàn huyện có hơn 300 hộ sống ở vùng nguy hiểm, luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng sơ tán mỗi khi có lũ.

Mấy ngày nay, ông Lê Ngọc Trang (53 tuổi, ngụ thôn Mỹ Lệ Đông, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, Phú Yên) cứ thẩn thờ ngồi nhìn ra doi đất giữa sông Ba đang cuồn cuộn chảy - nơi ông suýt chết vì bị lũ cuốn.

Khuôn mặt chưa hết nét kinh hãi, ông Trang kể: Sáng 31-7, như thường lệ ông lội qua sông Ba nước chỉ hơn nửa người để qua doi đất giữa sông chăn đàn vịt đẻ. Cạnh doi đất, nhiều con lạch trên sông đã bị khô cạn. Loay hoay một lát, ông bất chợt nhìn lại, bỗng thấy nước sông dâng cao bất thường giữa trời nắng chang chang. “Gắn bó với dòng sông Ba từ nhỏ nên tôi hiểu con nước lắm nhưng hôm đó, tôi thật sự không hiểu điều gì đang xảy ra. Trời không hề có mưa nhưng nước sông bỗng dữ khác thường. Tôi lại gần mép nước, cố lắng tai nghe thì có linh cảm như có lũ sắp về nhưng tôi vẫn chưa tin. Dù có chút lo lắng nhưng tôi chưa vội đưa đàn vịt vào bờ. Nhưng chỉ một thoáng, nước đã dâng cao lên doi đất. Tôi cuống cuồng vây đàn vịt lại để đưa vào bờ nhưng không kịp”.

Khi ấy ông Trang đứng ngoài doi đất gọi vào bờ kêu người ra giúp. Bấy giờ cả làng Mỹ Lệ Đông cũng nháo nhào gọi nhau chạy ra bờ sông. Phần lớn các gia đình ở làng này hằng ngày nuôi bò, chăn vịt, trồng hoa màu trên doi đất giữa sông nên khi nghe có lũ đổ về bất ngờ, cả làng đổ ra bờ sông giúp nhau chạy lũ. Hàng chục chiếc xuồng vội vàng bơi ra sông để đưa người, dắt gia súc, lùa vịt vào bờ. Lũ đổ về cùng bọt nước sục sùi nên đàn vịt của ông Trang chạy táo tác khắp nơi. Bấy giờ bà con hàng xóm dùng năm chiếc xuồng để giúp ông Trang. Lùa ra đến giữa dòng, do nước chảy rất xiết nên đàn vịt không bơi nổi, bị cuốn theo dòng lũ hàng chục mét. Trong khi đó, cả năm chiếc xuồng cũng tròng trành trôi theo dòng lũ suýt lật. Không thể để đàn vịt - gia sản lớn nhất của gia đình bị lũ cuốn mất, ông Trang cố bơi xuồng theo để vây lại. Lúc này nước sông đã sâu lút cây sào. Bất ngờ một dòng nước xoáy vào làm chiếc xuồng của ông Trang bị lật. Thấy vậy, ông Lê Văn Tuần, em họ ông Trang, cố bơi xuồng lao đến vớt ông Trang. Vào đến bờ, ông Trang như người mất hồn, ngồi thở dốc. May mắn, đàn vịt của ông Trang đã được hàng chục người bơi xuồng chặn lại, lùa được một số vào bờ. Chỉ xuống bờ sông đã bị dòng lũ xoáy sâu, làm sạt lở vào đất liền gần 5 m, ông Trang kể: “Dòng lũ mạnh xoáy vào bờ sông, nhiều khối đất to như ngôi nhà đổ ào ào xuống sông, nhìn sợ lắm! Từ ngày có các thủy điện trên sông Ba, hàng trăm gia đình ở ven sông này đã nhiều lần chạy lũ đến trối chết. Phải chi thông báo sớm thì đâu đến nỗi”.

Chính quyền: Chạy không kịp!

Ông Trương Công Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tây Hòa, Phú Yên, kể: “Mỗi khi có thông báo thủy điện xả lũ, nhất là xả với lưu lượng lớn, cả huyện Tây Hòa chúng tôi như chuẩn bị xung trận vậy”. Theo ông Khoa, việc truyền thông tin xả lũ đến từng thôn, xóm bây giờ đã thuận lợi hơn nhờ hầu hết cán bộ đều có điện thoại di động. Tuy nhiên, hàng loạt công việc ứng phó với lũ phải triển khai cấp tốc; đó là sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị lương thực để tiếp tế cho dân... Đặc điểm của huyện Tây Hòa là có nhiều vùng, khu dân cư rất dễ bị chia cắt, cô lập mỗi khi có lũ. Nếu lũ lên nhanh, việc tiếp cận để ứng cứu các khu dân cư này rất khó khăn. Trong khi đó, phương tiện cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế. Ngoài ra, địa bàn huyện có nhiều khu dân cư khá xa, địa hình không thuận lợi nên chúng tôi cần có nhiều thời gian để triển khai các biện pháp ứng phó, hỗ trợ nhân dân tránh lũ. “Trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ khi nhà máy thủy điện thông báo đến khi xả lũ, chúng tôi không thể nào triển khai kịp các biện pháp ứng phó. Huống hồ thực tế thời gian qua, nhiều lần các nhà máy thủy điện ồ ạt xả lũ trước rồi mới thông báo sau hoặc vừa thông báo là xả lũ ngay nên chúng tôi không thể nào sơ tán dân kịp”.

Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, nói thêm: Trước đây, khi góp ý xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba, tỉnh Phú Yên đã đề nghị các nhà máy thủy điện phải thông báo cho UBND các tỉnh trước khi xả lũ ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Tỉnh Phú Yên có địa hình vừa đồng bằng vừa miền núi, nhiều khu dân cư thuộc vùng xung yếu lại ở khá xa, đi lại khó khăn. Địa hình sông Ba đoạn xuống Phú Yên có độ dốc lớn nên có lưu tốc lớn. Trong khi đó, hàng loạt xã nằm ven sông Ba, nếu xả lũ với lưu lượng lớn sẽ bị ngập rất nhanh. Đặc biệt, Phú Yên có nhiều xã, khu dân cư thuộc các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh nằm ngay dưới cửa xả của các hồ thủy điện. Với khoảng thời gian tối thiểu 6 tiếng đồng hồ, địa phương mới có thể đồng loạt triển khai kịp các biện pháp ứng phó đến các khu dân cư. Nhưng cuối cùng Bộ Công Thương chỉ gút thời gian thông báo trước là 2 tiếng!

Sẽ điều chỉnh thời gian thông báo xả lũ

Hai giờ chuẩn bị, chạy lũ kịp không? ảnh 2

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Một trong những vấn đề nóng liên quan đến ngành điện tại buổi họp báo công bố quy hoạch phát triển điện lực diễn ra chiều 3-8 tại Hà Nội là việc thủy điện xả lũ đã được Pháp Luật TP.HCM đưa ra chất vấn lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

. Thưa ông, vào ngày 30, 31-7, Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ thông báo xả lũ với mức dự kiến là 200 m3/s nhưng sau đó nhà máy tăng lưu lượng, gây khó khăn cho địa phương. Bộ Công Thương và EVN có biết việc này hay không?

+ Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương (ảnh): Trước hết, qua phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Công Thương có biết chuyện xả lũ của thủy điện sông Ba Hạ. Ngay sau đó Bộ đã giao cho EVN kiểm tra và báo cáo, nếu có chuyện xả lũ không đúng như thông báo thì trách nhiệm này thuộc về nhà máy thủy điện. Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương và EVN.

. Theo quy định, trước khi xả lũ, vận hành hồ chứa, các nhà máy thủy điện phải thông báo trước 2 giờ. Nhưng với thời gian trên thì nhiều địa phương cho rằng không thể xử lý kịp bởi địa hình Tây Nguyên rất cách trở. Bộ Công Thương sẽ xử lý trường hợp này ra sao?

+ Việc thông báo trước 2 tiếng trong mùa mưa bão là thực hiện theo quy định vận hành hồ chứa đã được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng đối với các địa phương miền núi thì 2 giờ không phải là nhiều. Vấn đề này Bộ Công Thương đã nhận thức được và trong cơn bão số 3, Bộ đã tổ chức cuộc họp tại Đà Nẵng bàn về chuyện xả lũ ở các tỉnh miền Trung. Bộ Công Thương đang xem xét để điều chỉnh hợp lý hơn thời gian thông báo xả lũ ở các hồ chứa.

. Chuyện xả lũ trên sông Ba Hạ đã được phản ánh nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì?

+ Bộ Công Thương đang nghiên cứu hệ thống cảnh báo dọc sông xuống vùng hạ du bằng điện thoại di động. Với giải pháp này, không chỉ đợi đến 2 tiếng mà ngay lập tức người dân đã nhận được thông báo xả lũ để kịp thời ứng phó. Vấn đề là nghiên cứu kỹ và mua thiết bị áp dụng. Thế nhưng đó là một giải pháp trước mắt, về lâu dài chúng ta phải rà soát lại các hồ chứa, điều chỉnh hợp lý hơn đối với từng vùng và khu vực.

(Mặc dù trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã giao cho đại diện EVN (ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN) trả lời cụ thể hơn nhưng khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Quang Thành đã thẳng thừng từ chối!)

TRÀ PHƯƠNG

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm