Hiến pháp sửa đổi cần ghi nhận cơ chế bảo hiến

“Hiến pháp sửa đổi tới đây nên quy định về cơ chế bảo hiến với những nguyên tắc chung nhất còn việc thực hiện cụ thể như thế nào sẽ được quy định bởi một đạo luật của QH”- TS Hà Anh nói.

Theo TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia. Do vậy những quy định của hiến pháp phải được thực hiện một cách nghiêm túc và cần phải có cơ chế bảo vệ hiến pháp (cơ chế bảo hiến). Tuy nhiên, ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chuyên trách thực hiện việc bảo vệ hiến pháp mà nhiệm vụ này được giao cho nhiều cơ quan nhưng lại chưa có sự phân công hợp lý và trách nhiệm rõ ràng nên hiệu quả không cao. Trên thực tế có không ít những hành vi vi phạm hiến pháp nhưng không được xử lý.

TS Tú cũng nêu rõ văn kiện Đại hội X đã yêu cầu phải nghiên cứu xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. “Việc nghiên cứu về cơ chế bảo vệ hiến pháp với những kinh nghiệm hay từ nước ngoài để phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới là hết sức quan trọng và cấp bách” - ông Tú nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Trương Đắc Linh, Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện nay có ba phương án về mô hình cơ chế bảo hiến được đưa ra ở Việt Nam. Phương án một là thành lập một ủy ban giám sát hiến pháp trực thuộc QH, phương án hai là trao thẩm quyền bảo vệ hiến pháp cho tòa án tối cao, phương án ba là thành lập một tòa án hiến pháp độc lập. TS Đặng Minh Tuấn (khoa Luật, ĐHQGHN) cho biết xu hướng hiện nay có nhiều ý kiến ủng hộ phương án một bởi tính ổn định của mô hình này. Tuy nhiên, cả TS Tuấn và PGS-TS Trương Đắc Linh đều cho rằng mô hình này mang tính nửa vời, khi ấy QH sẽ vừa đá bóng vừa thổi còi, việc bảo vệ tính tối cao của hiến pháp sẽ không hiệu quả. Theo hai chuyên gia này, phương án ba - thành lập tòa án hiến pháp độc lập sẽ triệt để nhất, tuy nhiên đây lại là vấn đề mới ở Việt Nam.

T.HOA - M.CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm