QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Lo lạm quyền trong thu hồi đất

Ngày 17-6, phiên thảo luận của QH về dự thảo Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi diễn ra nóng bỏng với nhiều phản biện lo ngại về độ mở trong quy định thu hồi đất sử dụng cho dự án phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) dễ dẫn đến lạm quyền, tiêu cực.

Chỉnh lý theo góp ý của nhân dân

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết dự thảo LĐĐ (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân trong đợt vừa qua và chỉnh lý một số vấn đề: Tăng thời hạn giao đất nông nghiệp cho cá nhân, tổ chức từ 20 năm lên 50 năm; siết chặt điều kiện giao đất, cho thuê đất những dự án ở khu vực nhạy cảm an ninh, quốc phòng (các xã biên giới, ven biển, hải đảo). Đặc biệt, điểm mới của dự thảo là quy định xóa quy hoạch dự án “treo” sau ba năm. Theo đó, đất trong kế hoạch thu hồi cho dự án mà sau ba năm chưa có quyết định thu hồi đất thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không công bố điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất đó thì người sử dụng đất không còn bị hạn chế thực hiện các quyền của mình nữa.

Dự thảo cũng bổ sung quy định phạm vi giới hạn ba trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KTXH: Do QH quyết định chủ trương đầu tư; do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; được HĐND cấp tỉnh thông qua. Đồng thời, bổ sung quy định đối với các hợp đồng chuyển nhượng của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Lo lạm quyền trong thu hồi đất ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Dương Hoàng Hương phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Không có tiêu chí, dễ thu hồi tràn lan

Theo đại biểu (ĐB) Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KTXH là cần thiết trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, dự thảo liệt kê danh sách các dự án thuộc trường hợp thu hồi đất có “độ mở” khá rộng nhưng lại chưa có tiêu chí phân biệt giữa các dự án phát triển KTXH thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất với các dự án đầu tư kinh doanh thông thường khác. Như vậy sẽ dễ dẫn tới áp dụng luật không thống nhất giữa các địa phương, thậm chí lợi dụng kẽ hở để hưởng lợi, khó khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, không thực sự vì lợi ích chung của quốc gia, của cộng đồng. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải đảm bảo tiêu chí vì mục đích chung, phi lợi nhuận.

“Không nên quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển KTXH vì rất dễ bị lợi dụng, gây nhiều bức xúc. Còn nếu giữ quy định này thì phải phân loại cụ thể, dự án loại nào Nhà nước thu hồi, loại nào chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân” - ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề xuất.

Tại phiên thảo luận, vấn đề nên trưng mua quyền sử dụng đất (QSDĐ) (thay vì thu hồi đất) tiếp tục được nhiều ĐB mổ xẻ. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), lý do chưa đặt ra cơ chế trưng mua QSDĐ trong dự thảo chưa thuyết phục. “Bởi dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) quy định “QSDĐ là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” mà theo BLDS 2005 thì quyền tài sản cũng bao gồm đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp. Vì vậy, khi Nhà nước đã giao QSDĐ cho tổ chức, cá nhân thì QSDĐ đó được bảo hộ. Và trường hợp cần thiết, để phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ trưng mua lại QSDĐ đã giao cho tổ chức, cá nhân” - ĐB Trần Ngọc Vinh lập luận.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng “thu hồi đất của người dân nhưng tài sản của họ trên đất, kể cả nhà cửa, cây cối… thì phải trưng mua để đảm bảo quyền sở hữu tài sản phù hợp với quy định BLDS. Không nên đánh đồng bồi thường về đất khi thu hồi chung với bồi thường tài sản gắn liền trên đất”.

Phải chế tài mạnh để răn đe

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng quy định về điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch dự án sau ba năm mà chưa có quyết định thu hồi đất vẫn chưa đủ mạnh. Bởi vấn đề nhức nhối hiện nay là quy hoạch sử dụng đất bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi người dân. Có dự án sau công bố quy hoạch thì triển khai cầm chừng, có dự án công bố xong thì bỏ quên nhiều năm. “Những dự án “treo” gây bất bình trong nhân dân, dự án lợi ít, hại nhiều mà không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật… cần phải có quy định chế tài nghiêm khắc đối với trách nhiệm quản lý của người có thẩm quyền” - ĐB Nghĩa kiến nghị.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bổ sung thêm: “Cần làm rõ yếu tố “có lợi ích ngầm” trong những trường hợp cấp QSDĐ sai, lấn chiếm đất công, đất rừng, cấp nhầm đất của người khác và phải chế tài, xử lý nghiêm minh”.

Đồng tình với quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tỏ ý băn khoăn: “Khi tiếp xúc cử tri thì đa số nhân dân đề nghị công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất ở. Báo cáo tổng hợp của chúng ta có nói đa số nhân dân đồng tình với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng theo tôi, không phải như thế. Chúng ta viết hơi chủ quan, đa số nhân dân muốn được sở hữu về đất ở chứ không phải như chúng ta tổng hợp đâu. Nếu cần thiết, chúng ta trưng cầu dân ý, xem nhân dân có đồng ý vấn đề này hay không. Bởi vì chúng ta xác định đất đai là sở hữu toàn dân thì người dân có quyền quyết định vấn đề này”.

BÌNH MINH

Cưỡng chế đất sai, phải bồi thường

Lãnh đạo tỉnh cần đích thân đối thoại với dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thuyết phục người dân chấp hành; rà soát, giải quyết thỏa đáng, minh bạch, công bằng; hạn hữu mới tiến hành cưỡng chế. Đề nghị cần quy định thêm về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu cưỡng chế sai.

ĐB HUỲNH NGHĨA (Đà Nẵng)

Rạch ròi giá trị tăng thêm

Đề nghị quy định rõ hơn việc điều tiết giá trị tăng thêm không phải do người sử dụng đất đầu tư tạo ra, để đảm bảo thực thi trong thực tế. Cần quy định chặt chẽ vấn đề này để hạn chế tình trạng lâu nay Nhà nước bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng mà không có chính sách thu lại để tái đầu tư.

ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ (Hà Nội)

BÌNH MINH - HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm