Lòng dân - điểm tựa bảo vệ chủ quyền

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải thực hiện tốt hơn đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, giữ vững độc lập chủ quyền. Không chỉ ở tầm lãnh đạo mà đối với mỗi người dân Việt Nam, bảo vệ chủ quyền quốc gia luôn là một lẽ tất nhiên và đặc biệt thiêng liêng...

Tại hội nghị lần thứ VI của Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức mới đây, một thông điệp được nhiều đại biểu gửi gắm tới MTTQ TP nói riêng và lãnh đạo đất nước nói chung là: Cần sâu sát hơn nữa để thấu hiểu lòng dân, đứng thật chắc trên nguyện vọng toàn dân tộc. Đó chính là điểm tựa để huy động được sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên tấm lá chắn vững chãi bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng

Góp ý cho MTTQ TP về vấn đề này, TS Phạm Văn Biên, Phó Chủ tịch Hội Sinh học TP, cho rằng: Điều quan trọng nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là phải khơi dậy trong lòng dân tộc Việt Nam tình yêu nước. Trong thời gian qua, MTTQ có tổ chức nhiều chương trình hướng về biên cương hải đảo nhưng chưa đi vào chiều sâu, chưa thật sự chạm đến, khơi bật dậy “làn sóng ngầm” yêu nước trong dân.

Theo TS Biên, muốn làm được như thế, Mặt trận cần tổ chức nhiều chương trình hành động hơn nữa, “phải tiến hành một cách sâu rộng hơn, rầm rộ hơn”. Qua đó, một mặt để nâng cao nhận thức độc lập chủ quyền trong dân, mặt khác huy động sức dân vào công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. “Tất cả hành động phải hướng về một thông điệp: Chủ quyền quốc gia là tối thượng!” - TS Biên nói.

Nhà báo Đinh Phong khẳng định: Chủ quyền biển, đảo luôn ở trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, cần có một chiến lược để trái tim nóng ấy luôn được ấm áp và bật ra sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhà báo Đinh Phong cho rằng phải luôn trân trọng những biểu hiện của lòng yêu nước từ người dân. “MTTQ cần phải kiến nghị hay phối hợp với chính quyền để có một đường hướng cụ thể cho vấn đề này. Từ cách thức tổ chức chương trình, các kênh thông tin tuyên truyền phải được làm một cách bài bản để người dân thể hiện tình cảm thiêng liêng của mỗi người một cách hợp lý nhất”.

Lòng dân - điểm tựa bảo vệ chủ quyền ảnh 1

Càng công khai thông tin càng tạo được sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH GTVT TP.HCM nghe nói chuyện về biển, đảo. Ảnh: THÙY DUNG

Càng công khai càng tạo được niềm tin

Ở một khía cạnh khác, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP, qua tìm hiểu tâm tư từ người dân cho biết: Hiện nay người dân đang có nhiều trăn trở trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia, nhất là trước mưu đồ bành trướng của các thế lực đang cố tình xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam với những hành động ngang nhiên có tính tổ chức và hệ thống. Người dân cũng rất băn khoăn trước những luận điệu “nói một đằng làm một nẻo” của các thế lực này. “Đây là nỗi niềm của nhân dân mà Đảng và Nhà nước cần thấu hiểu” - ông Khoa nói.

Cũng theo ông Đặng Văn Khoa, dân ta ủng hộ đường lối, bước đi trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta, vì dân ta muốn hòa bình, dân ta muốn hữu nghị. Nhưng dân ta cũng kiên quyết một cách chắc chắn rằng: Sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. “Người dân luôn mong sự kiên quyết, nhất quán một cách mạnh mẽ trong mọi đường lối, mọi hành động trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc” - ông Khoa gửi gắm.

Ông Đặng Văn Khoa đề xuất: Cần công khai thông tin rộng hơn, xa hơn và sâu hơn để người dân được biết và chia sẻ về tình hình biển Đông. “Thực tế cho thấy càng thông tin hơn (dù đó là nhạy cảm) thì càng tạo thêm niềm tin để người dân đứng về phía Đảng và Nhà nước trên mặt trận đoàn kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” - ông Khoa nói.

“Ý Đảng, lòng dân” chính là sức mạnh to lớn để đưa đất nước ta vượt qua bao thử thách. Và chính tiếng nói mạnh mẽ từ quần chúng trước việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là uy tín của Đảng trước dân tộc.

BS HUỲNH TẤN MẪM, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM

Cần tổ chức việc thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo quốc gia một cách có hệ thống hơn từ các bằng chứng lịch sử - địa lý đến pháp lý. Phải đưa đến dân chúng lượng thông tin nhiều hơn, thường xuyên hơn nhằm tạo ra sự nhận thức sâu rộng trong lòng dân chúng về chủ quyền biển, đảo của quốc gia. Song song đó, chúng ta cần dịch thuật các tài liệu có giá trị về vấn đề này thành nhiều thứ ngôn ngữ phổ biến trên thế giới (Anh, Pháp, Trung) để phổ biến rộng rãi cho đồng bào ta ở nước ngoài cũng như bạn bè thế giới hiểu nhiều hơn về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với biển, đảo của mình.

Nhà nghiên cứuNGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm