Môi trường năm 2010: “Soi” các KCN, KCX

Trên cả nước, vô số những dòng sông chết vì vi phạm về bảo vệ môi trường chậm được phát hiện. Dung hòa mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường đang trở thành thách thức cho nhiều địa phương. Trốn xử lý nước thải, mỗi tháng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp bỏ túi trên 200 triệu đồng.

Tại buổi triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực môi trường năm 2010 hồi cuối tháng 1, TS Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết: Năm nay Tổng cục Môi trường sẽ tập trung mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, chặn đứng các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Vì sao năm 2010 Tổng cục Môi trường lại đặt trọng tâm kiểm tra các khu công nghiệp, khu chế xuất?

“Ăn gian” môi trường

Theo Thanh tra Tổng cục Môi trường, qua kiểm tra khu công nghiệp, cơ sở sản xuất trên lưu vực sông Thị Vải trong năm 2009, số lượng các đơn vị có vi phạm về môi trường rất cao. Cụ thể, Đồng Nai có 25% cơ sở được kiểm tra không có hệ thống xử lý nước thải, 30% cơ sở xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép…

Môi trường năm 2010: “Soi” các KCN, KCX ảnh 1

Tới đây, các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được kiểm tra chặt chẽ về môi trường. Trong ảnh: Cảnh sát môi trường trong một lần  kiểm tra nước thải Công ty Hào Dương trong khu công nghiệp. Ảnh: CTV

Cùng với đó, ô nhiễm khí thải cũng đang tăng. Qua kiểm tra trong năm qua ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy Khu công nghiệp Đông Xuyên, Khu công nghiệp Phú Mỹ I, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A đã gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ hoạt động của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như gạch men, trộn bê tông và sản xuất phân bón… Một số dự án khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí như Nhà máy đạm Phú Mỹ (nguy cơ rò rỉ khí amoniac), Nhà máy phân bón Baconco (phát sinh bụi). Bà Rịa-Vũng Tàu còn có trên 50% cơ sở không thực hiện đúng quy định về thu gom, phân loại chất thải nguy hại…

Thanh kiểm tra các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.HCM năm 2009 cũng cho thấy tình trạng tương tự. Vi phạm chủ yếu của các đơn vị là xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp...

Làm giàu từ vi phạm

Sở dĩ vi phạm môi trường xảy ra rất phổ biến ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất là do nhiều doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế đã bỏ qua việc bảo vệ môi trường. “Chi phí để xử lý 1 m3 nước thải hết khoảng 3.500 đồng. Trung bình, một khu công nghiệp xả khoảng 2.000-2.500 m3/ngày đêm. Như vậy, nếu trốn xử lý nước thải, mỗi tháng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sẽ bỏ túi trên 200 triệu đồng” - một cán bộ thanh tra Tổng cục Môi trường chỉ rõ.

Cũng theo vị này, việc thanh kiểm tra theo quy định phải được thông báo trước cho đơn vị bị kiểm tra. Vì thế, tình trạng doanh nghiệp đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra diễn ra rất phổ biến. Cụ thể, khi đoàn kiểm tra đến thì doanh nghiệp cho chạy hệ thống xử lý chất thải, hay giảm công suất, tạm ngừng sản xuất, hoặc pha loãng nước thải. Nhưng khi kết thúc đợt kiểm tra, thanh tra thì lập tức các cơ sở này lại tiếp tục xả trực tiếp chất thải không qua xử lý ra môi trường.

“Trong năm 2010 sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm như phạt nặng, buộc phải dừng sản xuất hoặc di dời đi chỗ khác. Những biện pháp mạnh này là công cụ hữu hiệu để bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.

Kiểm tra đâu, vi phạm đấy

Qua kiểm tra nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tại Đồng Nai trong năm 2009 cho thấy:

- Không có hệ thống xử lý nước thải: 25%.

- Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép: Trên 30%.

- Xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép: Trên 30%.

- Quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định: Trên 40%.

Tạo áp lực dư luận

Trong năm 2010 sẽ kiên quyết cưỡng chế, đình chỉ đối với một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chây ỳ, không thực hiện các biện pháp xử lý theo Quyết định 64/2003 của Thủ tướng. Cạnh đó, làm tốt công tác truyền thông, tạo áp lực của dư luận và xã hội buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác phải đẩy nhanh tiến độ xử lý.

TS Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm