Neo chữ nơi ngàn khơi Trường Sa

Quần đảo Trường Sa hiện nay cũng đang ở vị trí đặc biệt, “đầu sóng ngọn gió” trong việc gìn giữ chủ quyền lãnh hải của tổ quốc Việt Nam. 

“Trường học đặc biệt”

Ở trường học “đặc biệt” trên đảo Trường Sa Lớn có năm lớp học nhưng… chỉ có một cô giáo. Các em học sinh gọi cô Bùi Thị Nhung là “mẹ Nhung”, trong khi các anh bộ đội gọi cô là “mẹ hiền 5 trong 1” (năm lớp trong một trường).

Tốt nghiệp khoa Tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, sau hơn ba năm dạy học ở vùng núi Khánh Hòa rồi trường Tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), năm 2008 cô Nhung xung phong ra Trường Sa dạy học. “Ra đảo Trường Sa dạy học - một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng luôn thúc giục trái tim tôi. Tôi nghĩ, các chiến sĩ Trường Sa kiên cường nơi gian khó thì tôi cũng có thể là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận dạy chữ cho học sinh. Nghĩ vậy, tôi đã xung phong ra Trường Sa mà không hề do dự”, cô Nhung giải thích và nói thêm, “Bây giờ tôi đã có gia đình ổn định trên đảo, tôi càng thêm gắn bó với mảnh đất nơi đây”.

Neo chữ nơi ngàn khơi Trường Sa ảnh 1
Giờ ra chơi của học sinh ở đảo Trường Sa Lớn.

Nếu ai được dự lớp học của cô giáo Nhung, ắt hẳn phải ngỡ ngàng. Cô Nhung là giáo viên chủ nhiệm cho cả năm lớp học. Vừa hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết, giao bài xong, cô lại quay sang giảng toán cho nhóm học sinh lớp 2; rồi hướng dẫn các em lớp 3, lớp 5 làm bài tập... Cô Nhung cho biết: trong năm học 2011-2012, tùy vào thực tế trình độ của trẻ mà “trường học” mở ra lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 5. Đây cũng là lần đầu tiên trên đảo có một học sinh lớp 5. Trước đây, các em học sinh ở đảo chỉ học đến lớp 4 là về đất liền học tiếp.

Ngoài giờ học chính, cô Nhung còn dành thời gian dạy môn tiếng Anh, tin học ở mức độ vỡ lòng, “để các em đỡ bị lạc hậu so với các bạn trong đất liền”. Cô còn hướng dẫn các em các môn ngoại khóa như múa, hát ngoài trời. Chia sẻ với chúng tôi, cô Nhung ước mong đơn giản là có chiếc máy vi tính mới để các em được kết nối thông tin gần gũi với đất liền.

“Mẹ Nhung”, như cách gọi của các em học sinh, còn dạy cho trẻ tình yêu biển đảo, yêu quê hương qua những tấm gương hằng ngày giữa ngàn khơi. “Sự dũng cảm và chịu đựng gian khổ của các chú bộ đội Trường Sa ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của các em học sinh” - cô Nhung nói.

Neo chữ nơi ngàn khơi Trường Sa ảnh 2

Cô giáo Bùi Thị Nhung.
“Bảo mẫu đặc biệt”

Anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch xã đảo Sinh Tồn, được các em nhỏ quấn quít, vây quanh. Không chỉ vì hằng ngày anh dạy chữ cho các em, mà điều quan trọng là vì anh yêu thương, chăm sóc tận tình bọn trẻ. 

Hơn ba năm trước đây, anh Giáp đặt chân lên đảo. “Tôi không thể nào quên được những ngày đầu tiên có mặt trên đảo. Tuy đã xác định tư tưởng là làm việc ở đây lâu dài, nhưng những đêm đầu tiên tôi đã khóc vì quá nhớ đất liền. Những ngày sau đó tôi cứ thẩn thơ, ngong ngóng về phía chân trời tìm hình bóng một con tàu nào đó” - anh Giáp nhớ lại và nói thêm “Bây giờ đã quen lắm rồi…”.

Neo chữ nơi ngàn khơi Trường Sa ảnh 3
Giờ học thực hành của lớp học ghép ở đảo Trường Sa Lớn.

Quen? Vì lý do “riêng tư” nào chăng? Anh Giáp bật cười, nói ngay: “Tất cả là vì tụi nhỏ. Có tụi nhỏ, trên đảo rộn vui hẳn lên. Khi tôi nghe tiếng chào của học sinh, thậm chí nghe tiếng khóc của con trẻ đâu đó, tôi cảm thấy ấm áp như ở đất liền”.

 Anh Giáp bận bịu với công việc của một phó chủ tịch xã đảo là ổn định đời sống, sinh hoạt, lao động của cư dân. Nhưng dù bận cách mấy, anh vẫn sắp xếp thời gian để dạy học cho các cháu nhỏ.

“Ở đây, tôi tự nhủ mình là…bảo mẫu đặc biệt”, anh Giáp tâm sự bằng giọng nói chân thành. Trên đảo Sinh Tồn hiện có bảy cháu đang độ tuổi đến trường. Anh dạy các cháu bằng tình thương, trách nhiệm hoàn toàn tự nguyện, không có khoản phụ cấp nào.

Ai cũng nói, ra đảo là một sự hi sinh. “Đúng, hi sinh. Nhưng bù lại, có một vinh dự lớn lao, có một niềm vui ngập tràn, đó là nhìn thấy các em nhỏ vui học chăm ngoan” - anh Cao Văn Giáp cười tươi.

“Học trò đặc biệt”

Đối với các em học sinh xã đảo Song Tử Tây, Trương Sứ Long không chỉ là thầy giáo mà còn như một người bạn, một người anh cả trong gia đình.

Từ miền quê xã Sơn Lâm, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, vào năm 2008 Trương Sứ Long đã tình nguyện xung phong ra công tác ở quần đảo Trường Sa. Anh được phân công phụ trách công tác mặt trận của xã đảo Song Tử Tây.

Khi thấy các em nhỏ ở đây chưa có giáo viên dạy học, Long đề nghị được kiêm luôn việc giảng dạy các em. Gần bốn năm sống ở đảo cũng là ngần ấy thời gian anh có thêm nghề “gõ đầu trẻ”. Long chia sẻ: “Dạy ở đây có cái khó là quá ít học sinh, nhưng cũng có cái dễ vì các em rất tập trung, không vướng bận hoặc bị chi phối bởi môi trường xung quanh”.

Được đứng trên bục giảng, giữa cảnh quan ngàn khơi thu vào tầm mắt, với những cơn gió biển phả vào lớp học là một kinh nghiệm khó phai. Hơn thế nữa, Long tiết lộ: “Nhìn các em khát chữ quá, tôi không đành lòng trở lại đất liền”.

Chính vì muốn đem con chữ cho bọn trẻ mà Long đã gác lại bao ước mơ hoài bão ở đất liền.

Điều quan trọng hơn nữa, thôi thúc Long lao mình vào công việc nơi đảo xa, chính là tình yêu dành cho hải đảo Trường Sa - “Càng gắn bó với đảo, tôi càng ý thức sâu sắc về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình”. 

Long mong muốn truyền dẫn cảm xúc về quê hương đến với các em, mà theo cách gọi của Long, “đây là những học trò đặc biệt”. Bởi vì, Long giải thích: “Lớp học ở Trường Sa, chính là nơi ươm mầm các chiến sĩ kiên cường trong tương lai. Rồi đây, khi lớn lên, các em học sinh sẽ trở thành những người lính bảo vệ đảo một cách hăng hái, quyết tâm nhất”.

MAI TUẤN CƯỜNG (Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm