Người bị nhiễm chất độc da cam sẽ được hưởng trợ cấp

Đây là những nơi trộn, chứa, nạp, rửa chất độc hóa học để phục vụ cho việc phun rải ở các nơi. Riêng sân bay Biên Hòa, trên đường dẫn bay ở đây có nồng độ dioxin bề mặt lên đến 30 cm, cao hơn tiêu chuẩn cho phép hàng trăm lần. Một số khu vực đã được phân loại, khoanh vùng, chôn lấp ngăn chặn sự lan tỏa dioxin ra môi trường xung quanh.

Sân bay Biên Hòa đã được Chính phủ chi khoảng năm triệu USD cho việc xây bãi chôn lấp. Sân bay Đà Nẵng và Phù Cát sẽ được chi bốn triệu USD cho việc xử lý dioxin.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Hiện việc xử lý môi trường bị nhiễm chất độc da cam rất khó do thiếu kinh phí và công nghệ. Có ba phương pháp xử lý: hóa học, vật lý và sinh học. Tuy nhiên chưa có phương pháp nào tối ưu, triệt để. Việc xử lý nên dùng cả ba phương pháp, đồng thời khuyến khích người dân di dời khỏi vùng bị ô nhiễm. Ở những vùng đất bị nhiễm chất độc da cam, tỷ lệ người dân có bệnh tật như bệnh ung thư, tiểu đường, đa u tủy xương, sinh con quái thai... cao hơn nhiều so với dân các nơi khác”.

Nhà nước chỉ mới ban hành chính sách hỗ trợ cho những người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam. Hiện chưa có chính sách hỗ trợ người dân bị phơi nhiễm trong chiến tranh và những người dân đã và đang sống, công tác tại các vùng còn tồn lưu chất độc hóa học.

“Số người bị nhiễm chất độc da cam không tham gia kháng chiến rất lớn, gấp khoảng 10 lần số người đang được hưởng trợ cấp chất độc da cam hiện nay. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ liên quan trình ban hành tiêu chí xác định người bị nhiễm chất độc da cam để tính toán, có hỗ trợ cho các đối tượng này” - ông Nguyên cho biết.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm