“Nguyện vọng” và “trách nhiệm chủ quan” của lãnh đạo

Tổng kinh phí được đưa ra chừng 50 tỉ đồng, trong đó một phần là do các công ty tham gia xây dựng ủng hộ. Thời hạn để các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, Hoài Đức hoàn thành giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 14.000 m2 được đưa ra hết sức gấp gáp là trước ngày 30-6 tới.

Trao đổi với báoTiền Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết: “Việc xây dựng năm cổng chào cũng là nguyện vọng của lãnh đạo TP. Mong muốn nhân dịp 1.000 năm Thăng Long để cho nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước tự hào về thủ đô”.

Tuy nhiên, tiếng là làm cho dân mà dường như người dân lại chỉ biết đến vào phút chót thông qua báo chí, khi mọi thứ đều đã được quyết định. Được chất vấn rằng sao đến giờ Hà Nội mới đưa ra sáng kiến này, ông Phí Thái Bình không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho biết việc dựng năm cổng chào được đặt trên cơ sở quyết định năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, trong trường hợp bình thường, chính quyền Hà Nội chí ít cũng có cả năm để từ tốn đưa ra ý tưởng xây cổng chào cho dân và các chuyên gia xây dựng, kiến trúc góp ý và cho các địa phương có thời gian chuẩn bị. Đằng này vạn sự chỉ được công bố vào phút cuối, vô cùng cập rập, người dân không những không được trưng cầu ý kiến - điều mà ông Phí Thái Bình cũng phải thừa nhận - mà còn bị đặt vào thế đã rồi, chả lẽ bảo không... thích món quà bất ngờ mà lãnh đạo trao tặng?

Cho nên nhiều người bảo công trình… thình lình này đa phần là nguyện vọng của lãnh đạo TP chứ dân thì họ cho rằng Hà Nội còn vô số việc cấp bách phải làm ngoài việc dựng cổng chào!

May mà sáng hôm qua (25-6), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nói lại: Chỉ xây cổng chào tạm, chưa xây vĩnh cửu. Số tiền tiêu tốn cũng không đến 50 tỉ đồng. Và kinh phí cho chuyện xóa nhà dột nát, xóa đói giảm nghèo TP đã tính đến. Thế nhưng chuyện “thình lình” và câu hỏi đó là “nguyện vọng” của ai vẫn cứ còn đó.

2.

Cũng vẫn ông Phí Thái Bình, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) đã có phát biểu khi người dân phản ánh nhiều vấn đề bức xúc: “Chúng tôi rất muốn làm tốt cho TP, song còn nhiều điều kiện chủ quan và khách quan. Tôi xin nhận trách nhiệm chủ quan”. (VnExpress)

Được biết, phát biểu ấy được đưa ra khi một số cử tri phàn nàn về một tuyến đường bị đào xới gây ách tắc giao thông và mỹ quan đô thị, không có vỉa hè cho người đi bộ. Trên địa bàn phường này có hàng chục chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, người dân tự cơi nới, song không có ai xử lý càng làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Trả lời về vấn đề này, ông Bình giãi bày: Hà Nội đang chỉnh trang các tuyến phố nên phải đào xới vỉa hè, song thực thi các dự án đúng phê duyệt hay không cần sự tham gia giám sát của các ngành và cả người dân.

Tạm bỏ qua việc không đâu trên thế giới chính quyền lại“chỉnh trang thủ đô” bằng cách biến đô thị ấy thành một đại công trường nhếch nhác và gây bức xúc cho dân như ở Hà Nội. Người dân phải chịu trận trực tiếp thì cũng chỉ biết “giám sát” bằng cách phản ánh trong các dịp hiếm hoi được tiếp xúc lãnh đạo mà thôi.

Nhưng việc lãnh đạo nhận “trách nhiệm chủ quan” một cách chung chung và… hòa cả làng như vậy liệu có giải quyết được gì cho những vấn nạn mà người dân phải đối mặt hằng ngày hay không, có lẽ ai cũng biết câu trả lời...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm