DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Những nhận thức mới về quyền con người

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được coi là nội dung có nhiều sửa đổi nhất khi so dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 với HP hiện hành, bao gồm cả việc tách bạch quyền con người với quyền công dân, cũng như cách thức hiến định các quyền cơ bản này. Việc này đã được thảo luận thế nào ở Ban Biên tập dự thảo sửa đổi HP? Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật - thành viên Ban Biên tập.

Những nhận thức mới về quyền con người ảnh 1
PGS-TS Nguyễn Như Phát cho biết:

+ Một cách lịch sử thì thời gian dài, vấn đề nhân quyền bị phủ màu sắc chính trị. Chúng ta cho rằng đó là cái mà phía đối lập với CNXH dựng lên để tấn công chúng ta, nhất là thời chiến tranh lạnh. Nhưng rồi quá trình nhận thức đi đến đánh giá lại rằng nhân quyền không phải là cái để mang ra đấu tranh, khẳng định chế độ nào ưu việt hơn, mà phải coi rằng đó là thực tại cuộc sống, là mục tiêu phấn đấu của mọi chế độ.

Nhận thức thay đổi và rồi nhân quyền được ghi nhận chính thức trong các văn bản nhà nước, bằng thuật ngữ “quyền con người” - xuất hiện trong HP 1992. Nhưng lúc ấy ta vẫn chịu ảnh hưởng của truyền thống các nước XHCN, ghi nhận vào HP theo cách ràng buộc tại Điều 50, rằng: “Ở nước Cộng hòa XHCN VN, các quyền con người […] được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân […]”.

Khẳng định chủ quyền nhân dân

. Từ đó đến nay, 20 năm, có thêm bước tiến nữa là tách bạch quyền con người với quyền công dân. Trong Ban Biên tập, có dễ đi đến đồng thuận không, thưa ông?

+ Dần dần nhiều người đã nhận ra rằng nhân quyền là vấn đề đời thường, nằm trong cuộc sống thường nhật của mọi quốc gia, là cơm ăn nước uống, là cuộc sống hạnh phúc trong môi trường trong lành… không chỉ của bất cứ ai, dù có hay không có quốc tịch của quốc gia nơi họ đang sinh sống. Nhưng cũng phải nói thật là không phải ai cũng nhận thức được như thế. Thảo luận ở Ban Biên tập, vẫn có người bảo phải quy định như Điều 50 mới đúng.

Những nhận thức mới về quyền con người ảnh 2

Quyền con người luôn được coi trọng trong Hiến pháp. Ảnh: HTD

Nhưng đó là thiểu số, rất thiểu số. Phần còn lại đều nhận thức rằng con người và công dân là hai chủ thể khác nhau. Khi đã thừa nhận quyền con người thì chủ thể hưởng quyền phải rộng hơn, không chỉ là công dân. Tất cả những thứ gọi là người, đang tồn tại, đang sinh sống, đang hoạt động, đang đi chơi trên lãnh thổ VN đều phải được hưởng quyền con người. Một người Mỹ sang VN du lịch vài ngày, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe thì chế độ này, nhà nước này có bảo hộ không? Có chứ, cho dù đó không phải là công dân VN.

Như thế, ít ra về mặt chủ thể, Điều 50 HP hiện hành là chưa chuẩn.

. Vậy còn việc đưa nội dung này, vốn đặt ở Chương V HP hiện hành, lên Chương II trong dự thảo, trong Ban Biên tập có dễ đồng thuận không?

+ Nhận thức mới lần này là khẳng định “chủ quyền nhân dân”. Thuật ngữ này lâu nay vốn chỉ được các nhà nghiên cứu sử dụng trong khuôn khổ học thuật, giờ lần đầu tiên được đưa vào dự thảo HP, ở ngay Lời nói đầu.

Dân là ai? Trước hết là người bằng lá phiếu của mình thiết lập lên chính quyền, là người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước. Còn phía Nhà nước, lâu nay vẫn khẳng định là “của dân, do dân, vì dân”. Vậy thì dân, nói rộng hơn là con người, phải được đặt lên vị trí xứng đáng của nó. Nếu không được ở Chương I thì ít nhất cũng phải ở Chương II. Như thế mới thực sự HP là của dân và trước hết vì dân.

Điều chỉnh này thống nhất cao, bởi về khía cạnh chính trị, Cương lĩnh mới của Đảng đã nhấn mạnh hơn yếu tố “dân chủ” trong mục tiêu xây dựng đất nước.

Nhiều tranh luận về cách thể hiện

. Quyền con người được tách bạch với quyền công dân nhưng thể hiện trong dự thảo HP sửa đổi lại có vẻ lồng ghép, xen kẽ giữa các điều có chủ thể “mọi người” với điều khoản “công dân”. Tại sao vậy?

+ Về kỹ thuật lập hiến, thể hiện quyền con người và quyền công dân trong HP như thế nào, chúng tôi tranh luận rất nhiều. Chẳng nhẽ lại phải có hai phần: quyền con người với người nước ngoài, người không quốc tịch; và quyền công dân với công dân VN?

Điều đó là không thể và kinh nghiệm HP các nước cũng không ai làm thế. Hơn nữa, không thể tách rời được bởi quyền con người là của mọi người, bao gồm cả công dân. Từ đó đi đến thống nhất là phải thể hiện bằng ngôn ngữ của các quy định. Dùng “mọi người” cho quyền con người và “công dân” cho những điều về quyền công dân.

. Vấn đề tiếp theo, quyền nào được chọn để gắn với tiền tố “mọi người” và quyền nào phải gắn với “công dân”?

+ Công dân thì được hưởng tất cả quyền con người nhưng không phải ai cũng được hưởng quyền công dân. Quyền công dân ở đây được xác định là những quyền xuất hiện trong mối quan hệ với Nhà nước, mà chủ thể chỉ có thể là công dân. Chẳng hạn, những quyền gắn với chủ quyền quốc gia - như quyền bầu cử. Ngoài ra, có những quyền mà khả năng đáp ứng của Nhà nước, của cộng đồng có giới hạn thì cũng chỉ ưu tiên áp dụng cho công dân - như quyền được bảo đảm an sinh xã hội

Quyền đi liền nghĩa vụ - hiểu sao cho đúng?

. Quyền con người, quyền công dân thì rất nhiều và đa dạng. Vậy căn cứ vào đâu để lựa chọn đưa vào HP?

+ Vấn đề đó cũng được bàn về lý thuyết rất sôi nổi. Cuối cùng thống nhất với nhau là chỉ hiến định những quyền tối cần thiết cho con người, là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của con người, của cộng đồng, của quốc gia. Thứ nữa là những quyền mà ở bình diện quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Tức là những gì đã được ghi nhận trong các công ước quốc tế về quyền con người mà VN ký kết, tham gia.

Kèm theo đó có những đề xuất là bên cạnh việc lựa chọn, ghi những quyền cơ bản vào HP thì cũng phải có thêm một điều khoản với ý: việc liệt kê các quyền này trong HP không có nghĩa là phủ nhận hoặc coi nhẹ các quyền khác của con người đã được thừa nhận rộng rãi.

. HP hiện hành nói “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Vậy với quan điểm mới như dự thảo, quyền con người và quyền công dân quan hệ thế nào với nghĩa vụ?

+ Quyền luôn đi liền với nghĩa vụ. Nhưng hiểu theo kiểu “đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân”, “bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân” như khẩu hiệu nhiều nơi là sai. Còn hiểu theo cách có đi có lại: anh muốn hưởng quyền này thì phải thực hiện nghĩa vụ khác, cũng là sai. Bởi nghĩa vụ không được thực thi thì có chế tài nhưng chế tài đó không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc tước quyền tương ứng.

Chính xác phải hiểu là: quyền này của một người sẽ được đáp ứng bằng nghĩa vụ của người khác. Ví dụ, tôi có quyền bỏ phiếu, tức là mọi người khác - bao gồm cả Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng quyền bỏ phiếu của tôi.

Quyền đi liền với nghĩa vụ không chỉ ứng với quyền công dân mà với cả quyền con người, theo nghĩa mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm