Pháp quyền

Sự cẩn thận được chánh án mô tả là mặc dù đã có các thẩm tra viên, thẩm phán, lãnh đạo tòa chuyên trách và thậm chí là phó chánh án đọc trước, nêu ý kiến tham mưu, đích thân ông vẫn phải bỏ ra khoảng hai giờ cho mỗi vụ và mỗi năm ông giải quyết được khoảng 200 “ý kiến”.

Thực tế này cho thấy chánh án rất thận trọng, bởi loại án lên đến ông thường là đã có hiệu lực pháp luật, quay đủ vòng tố tụng. Cho nên việc người nắm giữ chức danh cao nhất trong hệ thống tư pháp trực tiếp đọc hồ sơ sẽ khiến nhiều người tin rằng sẽ loại trừ được oan sai trong các bản án.

Nhưng thực tế ấy cũng thể hiện tình trạng can thiệp, có ý kiến về hoạt động xét xử các vụ án cụ thể vẫn tiếp tục diễn biến. Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị ngành TAND vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phải nhắc đi nhắc lại nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chủ tịch nước cũng lưu ý các cấp ủy, dù giữ vai trò lãnh đạo tư pháp, không được chỉ đạo về tội danh, mức án trong các vụ án cụ thể.

Đó chính là sự vận hành của nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang theo đuổi.

Nhìn rộng ra sự vận hành của nhà nước pháp quyền còn là việc đảm bảo môi trường sống, kinh doanh bình đẳng cho mọi cá nhân và doanh nghiệp. Cách đây vài ngày, Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất mức án đến hàng chục năm, kèm số tiền phạt rất lớn đối với các công dân Mỹ (gốc Việt) thuộc Công ty Nexus. Lý do những người này đã thú nhận đem 250.000 USD để hối lộ một số quan chức Việt Nam (dù thực hư ra sao chưa rõ). Trước đó, Nhật Bản cũng đã xử tù và phạt tiền đối với một số lãnh đạo Công ty PCI vì đã thừa nhận đưa hối lộ 820.000 USD cho ông trưởng Ban Quản lý dự án đại lộ Ðông Tây, TP.HCM. Còn ở Đức, một số quan chức Siemens cũng bị đưa ra tòa do hành vi hối lộ để giành hợp đồng ở Việt Nam, một người đã bị tuyên phạt 170.000 USD cùng với hai năm tù treo.

Xét về mặt pháp luật, những hành vi phạm tội ở ngoại quốc khó có thể cho là gây nguy hiểm hay tác hại ở trong nước. Thế nhưng các quốc gia nói trên vẫn xử lý rất nặng (so với luật Việt Nam) các công dân và doanh nghiệp của mình. Lý do những người này dùng tiền đổi lấy thương vụ làm ăn chứ không phải bằng cạnh tranh.

Như vậy, các phán quyết có mục tiêu rất rõ ràng: Duy trì một trật tự kinh doanh bình đẳng, công bằng, không thiên vị. Pháp quyền được gây dựng phải từ những việc cụ thể như thế.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm