Phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Năm 2007, cả nước đã phát hiện 584 vụ tham nhũng nhưng không vụ nào do tổ chức Đảng phát hiện. Có trường hợp tố cáo tới lui mà cơ sở Đảng nơi đó vẫn được trong sạch, vững mạnh. Như vậy, vai trò của tổ chức, cơ sở Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là như thế nào?”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng các tỉnh, TP khu vực phía Nam tổ chức tại TP.HCM vào sáng qua, 12-1.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong xã hội vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, tập trung ở các lĩnh vực: sử dụng và quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, các dự án; quản lý và sử dụng ngân sách; quản lý tài chính, tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp...

Báo cáo cũng nhận định, trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, khâu tự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua giám sát của HĐND các cấp vẫn là khâu yếu. Hầu hết các vụ việc được phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua là do thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, các tố cáo hành vi tham nhũng của nội bộ cơ quan, đơn vị, việc phát hiện của quần chúng nhân dân và các cơ quan báo chí.

Vai trò tổ chức, cơ sở Đảng mờ nhạt

Ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu: “Vai trò của tổ chức, cơ sở Đảng, người đứng đầu các tổ chức, đơn vị, kể cả mặt trận, đoàn thể từ cấp tỉnh trở xuống đều chưa vào guồng máy. Cần nhấn mạnh công tác này để các tổ chức, đoàn thể nhận thức được tầm quan trọng của cuộc đấu tranh này”.

Ông Hà cũng đề nghị cần nhanh chóng ban hành văn bản quy định việc kê khai tài sản cán bộ, công chức. Mặc dù biết rõ cán bộ, công chức mua cổ phiếu, mua nhà, mua đất rất nhiều nhưng lại nhờ người khác đứng tên thì đành chịu, không làm gì được. “Không xử lý được những trường hợp này thì việc chống tham nhũng không làm được” - ông Hà nói.

Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề cần phát huy vai trò và nhiệm vụ của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. “Nếu nơi nào người đứng đầu tốt, kiên quyết, trong sạch, dứt khoát nơi đó tham nhũng không có chỗ sống. Còn người đứng đầu bê bối, lung lay thì chỗ ấy tham nhũng sẽ có cơ hội phát sinh” - ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao nói.

Cũng đánh giá cao vai trò người đứng đầu, ông Mai Quốc Bình - Phó Chánh Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Nước chảy xiết, đòi hỏi người lái thuyền phải vững tay. Với nền kinh tế phát triển, thu hút nguồn đầu tư lớn như hiện nay, nếu tay lái yếu rất dễ va quẹt, thậm chí là dễ thụt lùi. Vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng trong cuộc chiến này”.

Có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương nhấn mạnh: “Quy chế dân chủ trong các cơ quan hiện không phát huy được, còn rất hình thức. Cho nên cán bộ, công chức không dám đấu tranh vì không có cơ chế bảo vệ họ. Không thể chỉ nói lý thuyết suông là đảng viên phải tiên phong, phải đấu tranh vì họ còn có gia đình, công việc”.

Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cũng bày tỏ băn khoăn trước việc bảo vệ cán bộ chống tham nhũng. Ông cho biết một giám đốc sở đã từng bị đối tượng nhắn tin đe dọa giết. Một người khác chỉ trong một ngày đã nhận đến 700 tin nhắn quấy rối. Có phó chủ tịch huyện bị nhắn tin đe dọa bắt cóc con.

“Muốn phòng ngừa tham nhũng tốt thì việc chuyển đổi, luân chuyển cán bộ là điều quan trọng. Có chuyển đổi thường xuyên thì những việc làm sai trái của cán bộ nếu có sẽ bị phát hiện. Không chỉ chuyển đổi một người mà có thể chuyển đổi một nhóm cán bộ. Vì những người này nếu đã sai phạm sẽ nhân nhượng, bao che cho nhau. Không ai dám đấu tranh, tham nhũng sẽ có điều kiện phát sinh”.

Vấn đề cơ chế, chính sách trong hoạt động phòng, chống tham nhũng cũng được các đại biểu quan tâm. Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng: “Trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách cần tiếp tục có những cơ chế tốt hơn, phù hợp hơn, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh nhiều tham nhũng. Trong đó phải kể đến lĩnh vực tài nguyên đất đai, khoáng sản, thủy điện. Hiện nhiều việc địa phương muốn làm liên quan đến đất đai nhưng không làm được vì luật không cho phép”.

Ông Dũng đề nghị nên xem lại chính sách đất đai, tạo điều kiện cho địa phương góp vốn cổ phần khi thành lập công ty cổ phần, như vậy sẽ công bằng hơn. Đồng thời, xem lại định mức tư vấn thiết kế trong xây dựng cơ bản, vì đây là khâu lãng phí lớn nhất do có sự thông đồng bên A, bên B...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các ngành, các cấp cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy, Đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, thủ tục để vừa phòng ngừa vừa chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhà đất, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp nhà nước... Phát huy vai trò của toàn xã hội, báo chí qua việc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch.

T.TRANG - T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm