KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU RA QH VIỆT NAM (6-1-1946)

Quốc hội đã có bước tiến dài về dân chủ

Hoạt động của QH đã có một bước tiến dài về dân chủ, ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM trong buổi họp mặt ngày 4-1 kỷ niệm 65 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2011).

Bài học đầu tiên: Tôn trọng quyền của dân

Ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH khóa VIII, kể câu chuyện mà ông nhớ mãi là lần biểu quyết thông qua một dự thảo luật. Dự thảo nêu, trường hợp một người có dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng phải bắt giữ, nếu xét trong người người đó có tiền, tư trang mà tiền và tư trang đó không phải là tang vật của hành vi phạm pháp thì cũng phải lập biên bản rồi chuyển vào kho bạc. Đến khi có kết luận về hành vi phạm tội thì mới quyết định là trả lại hay tịch thu.

Quốc hội đã có bước tiến dài về dân chủ ảnh 1

Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM thăm hỏi bà Ngô Thị Huệ - nguyên ĐBQH từ khóa I đến khóa IV. Ảnh: TB

“Lúc ấy, khi thảo luận tôi thấy quy định vậy quá hay và đúng. Đến khi đưa ra hội trường để biểu quyết, các ĐB cũng vỗ tay rất nhiều, chứng tỏ nhất trí rất cao. Nhưng trước khi vào phần biểu quyết, chưa ai kịp giơ tay thì ĐBQH - luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng dậy và nói rất lớn tiếng: “Tôi không đồng ý với bản dự thảo đó”. Nghe vậy, ai cũng ngỡ ngàng. Tôi nhớ cái ý đồng chí Thọ nói thế này: Luật đã quy định khi một người chưa bị bản án có hiệu lực của tòa án kết luận là có tội thì người đó không có tội. Còn dự thảo này mới thấy người ta có dấu hiệu phạm pháp mà lại giữ tiền, tư trang của họ là phạm luật. Nhà nước phải coi đây là một công dân tự do, phải tôn trọng quyền của họ. Nghe xong mọi người mới sáng ra, ông ấy nói đúng quá. Thế là biểu quyết lại theo như ý phân tích của luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Qua việc này tôi mới suy nghĩ là làm ĐBQH thì bài học phải thuộc lòng đầu tiên là tôn trọng quyền của dân” - ông Tân đúc kết.

Bộ trưởng ngán nhất là truyền hình trực tiếp

Ông Trần Du Lịch - ĐBQH khóa IX, XII đánh giá: Quá trình dân chủ của QH có bước tiến rất mạnh mẽ, gắn liền với quá trình đổi mới. Thứ nhất là vấn đề làm luật, đến nay việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo luật được tổ chức rộng rãi cho người dân tham gia. Thứ hai là công tác giám sát, đặc biệt là giám sát tại kỳ họp có trực tiếp truyền hình. “Tôi hỏi một vài vị bộ trưởng ngán gì lúc chất vấn thì mấy ổng nói là ngán nhất việc trực tiếp truyền hình. Chính việc này thể hiện quyền dân chủ và cử tri giám sát được hoạt động của ĐB cũng như của các thành viên Chính phủ” - ông Lịch nói.

“Những vấn đề nóng hổi, bức xúc của đất nước qua ý kiến cử tri phản ánh với ĐB đều được mang ra diễn đàn QH. Tôi cho đó là thành công của QH trong quá trình đổi mới. Khi mà cử tri quan tâm đến QH thì vai trò của QH càng được khẳng định” - ông Lịch kết luận.

Ba cuộc giám sát quan trọng

Bà Phạm Phương Thảo, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết gần đây Đoàn ĐBQH TP đã có ba cuộc giám sát quan trọng được Chính phủ tiếp thu và UBND TP chỉ đạo. Thứ nhất là giám sát về việc quản lý, sử dụng đất kho bãi, nhà xưởng. Thứ hai là giám sát việc bảo vệ môi trường nước của khu vực sông Đồng Nai. Thứ ba là giám sát việc quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và sử dụng đất trên địa bàn TP.

NHẪN NAM
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]
Thăm dò ý kiến
  • Vụ ông Hoàng Hữu Phước viết blog liên quan đến ông Dương Trung Quốc, theo bạn nên:
  • Không quan tâm
  • Bỏ qua
  • Không nên bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Phước
  • Nên bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Phước
  • Quốc hội không nên bãi nhiệm ông Phước
  • Quốc hội nên bãi nhiệm ông Phước
  • Cử tri TP.HCM không nên bãi nhiệm ông Phước
  • Cử tri TP.HCM nên bãi nhiệm ông Phước
  • Ý kiến khác
Quốc hội đã có bước tiến dài về dân chủ ảnh 7 Quốc hội đã có bước tiến dài về dân chủ ảnh 8

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm