Sự kiên định trong điều hành vĩ mô

Điều này thể hiện thái độ hết sức nghiêm túc trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Trước đây, các yếu tố giá cả thế giới tăng cao, thiên tai bão lụt hoành hành, sự biến động của giá vàng thế giới… luôn được đặt lên trước và có phần “tô đậm” để lý giải nguyên nhân khiến chỉ số lạm phát của Việt Nam luôn vượt dự báo. Kỳ này Chính phủ đã thẳng thắn nói rõ trong các nguyên nhân, “yếu tố chủ quan vẫn là chủ yếu” với việc tổng đầu tư “vượt quá tiết kiệm”, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng tổng phương tiện thanh toán quá nhanh.

Thêm nữa, Chính phủ cũng xác nhận khối doanh nghiệp nhà nước đang bộc lộ những sơ hở không chỉ gây nguy hiểm cho chính họ mà cả cho nền kinh tế. Đó là việc “huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư… trong khi năng lực quản lý… có hạn” dẫn đến “kinh doanh hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ kéo dài”.

Chính phủ một lần nữa khẳng định chủ trương trước mắt cũng như lâu dài vẫn là ổn định vĩ mô. Giải pháp trước mắt là phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ, minh bạch chính sách. Về lâu dài Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ tổng cầu, tổng cung tiền. Những cam kết cụ thể đó đã minh họa chủ trương “kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1” của Chính phủ nhiệm kỳ này ( mục tiêu tăng trưởng chỉ được xếp hạng “ở mức hợp lý”).

Thông qua việc Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân và giải pháp đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô, nhiều người tin rằng việc thực thi các chính sách đó cũng sẽ nghiêm túc, đồng bộ và kiên định, xóa bỏ hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” hay “đầu voi đuôi chuột” vốn tồn tại lâu nay.

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm