Sửa Hiến pháp: Quy định nguyên tắc kiểm soát quyền lực

Việc nghiên cứu, đề xuất các phương án, nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được Ban Biên tập sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tiến hành quyết liệt. Cho đến nay, ở nhiều cấp độ, từ nghiên cứu riêng của các ủy viên biên tập, đến họp tổ biên tập, họp toàn thể Ban Biên tâp, hội thảo mở rộng lấy ý kiến giới học giả, chuyên gia... đã được tiến hành. Ban Biên tập đã có những báo cáo, làm việc với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về những kết quả nghiên cứu ban đầu.

Ba phương án sửa Hiến pháp

Một vấn đề lớn là phạm vi lần sửa đổi này thế nào. Thảo luận ở Ban Biên tập có hai quan điểm: 1. Chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp Cương lĩnh và Văn kiện Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 2; 2. sửa cơ bản, toàn diện để ban hành một bản hiến pháp mới (Hiến pháp 2013), vừa thể chế hóa cương lĩnh, văn kiện của Đảng, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tương ứng với hai ý kiến đó là ba phương án: 1. Sửa đổi tối thiểu, tức giữ nguyên mô hình, cấu trúc Hiến pháp 1992, chỉ sửa đổi, bổ sung hoặc thêm mới điều, khoản cụ thể. 2. Sửa trung bình, giữ nguyên mô hình hiến pháp hiện hành nhưng thay đổi cấu trúc các chương, bổ sung điều khoản cụ thể (chẳng hạn, gộp các chương về chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường làm một). 3. Sửa tối đa, tức là thay đổi hẳn mô hình, cấu trúc, viết hẳn hiến pháp mới, gồm các chủ đề chủ quyền nhân dân, chính thể, quyền con người và quyền - nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, cơ chế bảo hiến, quy trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Với phương án này, các nội dung chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ tổ quốc... sẽ không thể hiện từng chương riêng như Hiến pháp 1992 mà lồng ghép vào các chương - chủ đề nêu trên.

Sửa Hiến pháp: Quy định nguyên tắc kiểm soát quyền lực ảnh 1

Người dân đối thoại với chính quyền trong một chương trình trực tiếp “Nói và Làm” tại quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Cho đến nay, sau nhiều lần báo cáo, làm việc với lãnh đạo và Ủy ban Dự thảo, các phương án sửa đổi đã được sàng lọc, điều chỉnh. Việc nghiên cứu đang được tập trung theo hướng sửa trung bình, trong đó nhấn mạnh kỹ thuật lập hiến để xử lý những quy định, nội dung thiếu nhất quán, trùng lặp, mâu thuẫn trong Hiến pháp 1992. Những điều khoản dài dòng, mang tính tuyên ngôn hoặc quá cụ thể, không đúng tầm hiến pháp sẽ được sửa đổi. Những ngôn từ thiếu nhất quán, trừu tượng, đa nghĩa sẽ cắt bỏ…

Tòa án sẽ thực hiện quyền tư pháp

Về nội dung, vấn đề cơ bản đầu tiên được xác định là phải thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất nơi dân. Như vậy, ngay từ Lời nói đầu của Hiến pháp cũng phải viết lại, thể hiện khái quát, rõ nét chủ quyền nhân dân trong việc xây dựng, quyết định Hiến pháp. Đồng thời, thể hiện rõ nét, sâu sắc hơn quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Với hình thức dân chủ đại diện, nhân dân không chỉ thực hiện thông qua thiết chế dân cử mà còn thông qua các tổ chức chính trị, xã hội.

“Kiểm soát quyền lực” là điểm mới trong cương lĩnh sẽ được đưa vào nguyên tắc hiến định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Khắc phục việc chưa phân biệt rõ đâu là cơ quan hành pháp, tư pháp trong Hiến pháp 1992 theo hướng: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Cơ chế kiểm soát quyền lực sẽ được thể hiện qua việc xác định đầy đủ, minh bạch về thẩm quyền và mối quan hệ qua lại giữa Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, tòa án... và giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương.

Quan điểm định hướng của lần sửa Hiến pháp này là tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, trước những nội dung mới của Cương lĩnh 2011, Điều 4 sẽ được nghiên cứu, thể hiện lại cho phù hợp.

Nhiều nội dung cụ thể, chi tiết khác đặt ra với lần sửa Hiến pháp này đang được Ủy ban Dự thảo, trong đó nòng cốt là sáu ủy viên Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Biên tập làm rõ. Ủy ban Dự thảo sẽ có những báo cáo chính thức đầu tiên về kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 cũng như những đề xuất sửa đổi để báo cáo BCH Trung ương vào hội nghị tới đây (dự kiến vào tháng 4). Sau khi trung ương tham gia ý kiến, những báo cáo quan trọng này sẽ được trình QH để có những quyết định chính thức đầu tiên cho định hướng phạm vi, nội dung sửa đổi.

Một câu hỏi khó

GS Nguyễn Đăng Dung, chuyên gia đầu ngành về hiến pháp, nhận xét tại Hội thảo “Tổ chức quyền lực nhà nước - kinh nghiệm từ hiến pháp một số nước”,do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 28-2:

“Với mọi quốc gia, kiểm soát quyền lực và phân quyền là trục chủ đạo của hiến pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc kiểm soát - phân quyền rất lúng túng, bởi không thừa nhận nguyên tắc tam quyền phân lập. Cho dù Cương lĩnh 2011 có thêm ý mới về kiểm soát quyền lực nhưng làm thế nào để kiểm soát trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền sẽ còn là câu hỏi khó mà lần sửa Hiến pháp 1992 này chưa chắc giải đáp được”.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm