TRÊN TRẬN TUYẾN DIỆT THAM NHŨNG - BÀI 1

Tham nhũng vặt: Ai cũng ghét nhưng phải thỏa hiệp

LTS: Nhận rõ nguy hại cũng như mức độ nghiêm trọng của tham nhũng hiện nay, Đảng ta đã xác định ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách. Đây cũng là mệnh lệnh từ cuộc sống như lời nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương Phan Minh Tánh: “Bức xúc cần giải quyết nhất bây giờ để cho yên lòng dân và dân ủng hộ Đảng là phải chống được tham nhũng”.

Thực hiện chủ trương đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Pháp Luật TP.HCMthực hiện loạt bài này để chuyển tải tiếng nói xây dựng của người dân và các chuyên gia nhằm góp phần nhận diện mảng tối tham nhũng và gợi mở một số giải pháp cụ thể để công cuộc chống "giặc nội xâm" - tham nhũng hiệu quả hơn.

Một đặc điểm của tham nhũng ở nước ta hiện nay là tham nhũng vặt (phí bôi trơn, tiền lót tay, lại quả…) đang diễn ra khá rộng khắp. Bằng những câu chuyện có thật từ cuộc sống, chúng tôi ghi lại nỗi niềm của người trong cuộc.

40.000 đồng để được tiêm nhẹ tay

Đầu tiên là tình trạng phong bì lót tay ở các bệnh viện. Chị D. (đang sống ở TP.HCM) kể năm 2010, trong lần về Thái Bình đưa mẹ đi điều trị ở một viện ung bướu nổi tiếng tại Hà Nội, chị đã bật ngửa trước thực trạng trái tai gai mắt nhưng buộc phải chấp nhận này. “Muốn nhanh chóng có phòng nằm điều trị cho mẹ, tôi đã phải “trà nước” cho người phụ trách công tác này 100.000 đồng. Trước đó, khi tôi đăng ký một cách bình thường thì anh nhân viên này lạnh lùng nói “đợi đó” và tôi đợi dài cổ gần nửa ngày trời” - chị D. kể.

Cũng từ đây, chuỗi bôi trơn cho các chi phí lạ lùng kéo dài gần như suốt thời gian mẹ chị D. nằm điều trị. “Muốn y tá tiêm thuốc nhẹ tay cho mẹ thì tôi phải dúi cho họ 40.000 đồng; muốn thay tấm gạc cho sạch sẽ, tôi cũng phải dúi 20.000 đồng. Khi mẹ vào phòng mổ, tôi phải đưa bà 1,5 triệu đồng để lót tay cho ê kíp mổ” - chị D. kể và nhẩm tính trong đợt điều trị đó, tiền viện phí chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng tiền lót tay lại gấp đôi. “Tức lắm nhưng biết làm sao hả anh? Việc đó như cái lệ và vì sức khỏe của mẹ nên tôi đành phải chịu” - chị D. bức xúc.

Xây xẩm mặt mày vì “không biết điều”

“Có những kiểu làm tiền vô lý hết sức làm tôi tức no ruột nhưng rồi phải nhắm mắt cho xong việc” - chị Thắng, hiện đang làm kế toán trưởng cho một công ty TNHH ở TP.HCM, bày tỏ khi nói về chi phí cho kiểu tham nhũng vặt mà chị đối mặt trong công tác.

Tham nhũng vặt: Ai cũng ghét nhưng phải thỏa hiệp ảnh 1

Nhiều bệnh viện từ lâu đã áp dụng quy định cấm bác sĩ nhận phong bì của người bệnh nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Ảnh minh họa: HTD

Chị cho biết muốn thuận lợi để khỏi bị cơ quan thuế làm phiền, mỗi tháng chị đều phải “chi tiền uống nước” cho người phụ trách thu thuế ở địa bàn. Tùy theo thời giá mà số tiền ấy 200.000-500.000 đồng/tháng. Lỡ có bận gì mà đến kỳ chưa kịp gửi thì thế nào cũng có cuộc điện thoại tới sếp, hỏi: “Sao lâu quá không thấy kế toán của công ty lên”. “Thậm chí có lần cán bộ chi cục thuế một quận còn dọa: “Về kêu giám đốc lên đây làm việc, còn không thì phải chi 500.000 đồng/tháng. Nếu ít hơn thì về bảo dẹp công ty đi”” - chị Thắng kể.

Nhân viên của một công ty địa ốc ở TP.HCM cũng cho hay có lần làm thủ tục tại chi cục thuế quận nọ, hồ sơ của chị cũng bị đưa vào rồi lại cho ra đến xây xẩm mặt mày. “Tôi đưa vào họ bảo sai, rồi hướng dẫn làm lại. Về bổ sung, mang tới, họ lại bảo còn thiếu, bắt về làm lại tiếp. Rất mệt mỏi. Có người thấy thế mách: “Chị chỉ cần kẹp 500.000 đồng vào sổ khai là xong thôi”. Quả đúng như thế, sau khi làm theo lời mách bảo, anh nhân viên nhìn tôi dịu lại và tiếp nhận ngay”.

Chỉ là phần nổi của tảng băng

30%-50% thanh niên được khảo sát cho biết sẵn sàng tham nhũng hoặc hối lộ nếu mang lại lợi ích cho bản thân. (Theo kết quả điều tra củaTổ chức Hướng tới minh bạchcùng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồngthực hiện trên 1.200 thanh niên tại 11 tỉnh, TP, công bố ngày 8-8-2011)

59% DN được hỏi cho biết phải mất phí bôi trơn; 41% thừa nhận phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương mới làm ăn suôn sẻ. (Theo một điều tra của VCCI năm 2009)

Các hiện tượng như trên đang diễn ra vô số trong các giao dịch xã hội ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực khác nhau. Tình trạng phổ biến ấy dường như đã ở mức báo động đỏ khi mà rất nhiều người dân chấp nhận sống chung với nó. Đến mức có chuyên gia đã phải cảnh báo: “Đừng để tham nhũng vặt trở thành một thứ “văn hóa” trong xã hội”.

Trong tham nhũng vặt, cách thức chủ yếu là cán bộ, công chức (CBCC) không sẵn sàng thực hiện chức trách theo đúng quy định khiến người dân phải tự hiểu ra mà biết điều để công việc được suôn sẻ. Một dạng khác là CBCC lạm quyền để trục lợi. Ngoài ra, cũng không thể loại trừ tình trạng có những người muốn được việc mình mà sẵn sàng “làm hư” cán bộ.

Trong một hội thảo về cải cách hành chính gần đây, TS Đỗ Thị Ngọc Lan, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), nhận định: “Tham nhũng đã trở nên như một nhu cầu phổ biến của nhiều DN và người dân khi cần phải giao tiếp với CBCC. Đồng thời, không ít CBCC khi giao tiếp với người dân và DN cũng coi tham nhũng như một điều tất yếu”.

Còn theo GS Trần Đình Bút, tham nhũng ở nước ta đã trở thành vấn đề của xã hội. Người có quyền dễ suy nghĩ đến việc lợi dụng, lớn hơn nữa là lạm dụng quyền lực để kiếm chác. Điều tệ hại nhất là tham nhũng đã tràn vào những lĩnh vực lẽ ra là không thể, nhất là với giáo dục, y tế. “Nhưng tham nhũng vặt mới chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi” - ông nhận định.

Nhiệm vụ cấp bách

Từ lâu Đảng ta đã chỉ rõ tham nhũng “gây ra hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XI cũng nhìn nhận:“Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi gây bức xúc xã hội. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng....

Từ đó, văn kiệncủa Đảng xác định “đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này” là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Những kiểu vụ lợi

Anh P., chủ một DN ở TP.HCM, kể cứ mỗi lần quan chức đi nhậu nhẹt là gọi anh ra tính tiền. “Có khi nửa đêm đang ngủ với vợ, nhận điện thoại của các sếp bảo ra gửi giúp tiền boa cho mấy em út. Không bắt máy không được mà mỗi lần như thế thì ức không chịu nổi” - anh P. bức xúc.

Anh H., một chủ DN khác, cũng cho hay cứ mỗi lần nhà mấy sếp có đám giỗ hoặc đám cưới là lo ngay ngáy. “Có khi họ gọi mình đến rồi tâm sự: “Anh lo đám cưới cho con nhưng phần tiền bia hơi căng, chú xem thế nào”. Vậy là hiểu ý rồi…”.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.