Thanh tra Chính phủ công bố: Trên 38.000 tỉ đồng nợ xấu ở VDB

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 10-1, Thanh tra Chính phủ (CP) đã thông báo tóm tắt kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), qua đó cho thấy nợ xấu lên tới trên 38.000 tỉ đồng (chỉ tính hết năm 2010) ở ngân hàng đặc biệt này, trong đó nhiều ngàn tỉ đồng có nguy cơ không thể thu hồi. Nói đặc biệt vì VDB là một định chế tín dụng nhưng lại không hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà là Hội đồng Quản lý (trong đó có thứ trưởng đương nhiệm hai bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và phó thống đốc NHNN); hoạt động của VDB chủ yếu là cấp tín dụng ưu đãi cho các đối tượng được ưu tiên.

Nợ xấu do lịch sử...

Kế thừa từ các tổ chức tiền thân là Tổng cục Đầu tư phát triển, Quỹ Đầu tư phát triển, VDB khi được thành lập năm 2006 đã phải gánh hơn 5.200 tỉ đồng nợ xấu chưa được xử lý trước đó. Khi đi vào hoạt động, với tính chất một công cụ tài chính của CP, VDB phải cho vay những dự án mà CP chỉ định, không được thẩm định, gây tiếp nợ xấu hơn 6.100 tỉ đồng - gồm cho vay tàu biển, vay tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, vay kiên cố hóa kênh mương. Ngoài ra, VDB cũng bị dính nợ xấu gần 3.800 tỉ đồng ở chương trình đóng tàu Vinashin - cũng một dạng cho vay theo chỉ đạo.

Thanh tra Chính phủ công bố: Trên 38.000 tỉ đồng nợ xấu ở VDB ảnh 1

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Ngoài những khoản nợ xấu do kế thừa nêu trên, phần còn lại ở ba nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ mất vốn ở VDB được Thanh tra CP kết luận chủ yếu do lỗi của chính ngân hàng này.

Và nợ xấu hiện tại

Một nội dung lớn của VDB là cho vay tín dụng đầu tư thì kiểm tra hồ sơ 159 dự án với tổng mức cho vay gần 24.860 tỉ đồng thấy hàng trăm sai phạm lặp đi lặp lại. Cụ thể: 92 dự án vi phạm khâu thẩm định, 76 dự án vi phạm điều kiện vốn tự có, 48 dự án vi phạm điều kiện tài sản bảo đảm tiền vay, 135 dự án vi phạm thủ tục đầu tư, 41 dự án vi phạm điều kiện giải ngân, 69 dự án sai phạm ở khâu kiểm tra sau cho vay...

Trong số này, 35 dự án đóng mới tàu sông, tàu biển với tổng mức cho vay hơn 2.920 tỉ đồng thì qua kiểm tra thấy xuất hiện nhiều vi phạm cùng lúc. Một số chủ đầu tư thực hiện dở dang, chưa đưa vào khai thác, do đó không có nguồn trả nợ. Việc thế chấp lại dựa vào tài sản hình thành từ vốn vay nên việc xử lý rất khó khăn, giá trị thu hồi thấp, nguy cơ mất vốn cao.

Tương tự như vậy, trong nội dung cho vay tín dụng xuất khẩu, kiểm tra hồ sơ 63 khách hàng với tổng dư nợ hơn 11.550 tỉ đồng cũng thấy rất nhiều sai phạm trong thẩm định, phê duyệt cho vay, sử dụng vốn vay sai mục đích...

Đi vào các hợp đồng lớn, Thanh tra CP phát hiện một khoản sử dụng tiền vay sai mục đích rất lớn trong dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính VN (Vidifi) tham gia xây dựng. Trong số 1.000 tỉ đồng Vidifi xin Thủ tướng cho tạm ứng với lý do đáp ứng nhu cầu cấp bách giải phóng mặt bằng có 334 tỉ đồng lẽ ra để trả nợ nhưng lại bị doanh nghiệp sử dụng để kinh doanh trái phép.

Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo

Còn nhiều sai phạm khác tại VDB được chỉ ra qua cuộc thanh tra này và sẽ được Thanh tra CP công bố trên website của ngành. Nhưng phân tích nguyên nhân, trách nhiệm, kết luận thanh tra cho rằng trước hết do Hội đồng Quản lý VDB chưa thực hiện tốt trách nhiệm chỉ đạo, giám sát. Tổng giám đốc, các ban trực thuộc hội sở chính, các chi nhánh yếu kém trong quản lý, điều hành. Việc kiểm tra, kiểm soát của NHNN, Bộ Tài chính với VDB còn hạn chế...

Trên cơ sở đó, Thanh tra CP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, NHNN kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất những giải pháp cấp bách và lâu dài, đặc biệt là xử lý vấn đề nợ xấu và rủi ro thanh khoản của VDB; chỉ đạo Hội đồng Quản lý, tổng giám đốc kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất các giải pháp chấn chỉnh. Trong kiến nghị này nêu rõ tên ông Đào Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc VDB, đồng thời kiêm tổng giám đốc Vidifi, có vi phạm trong việc vay và sử dụng vốn vay.

Chuyển điều tra một số vụ việc

Thanh tra CP cũng chuyển một số vụ việc sang cơ quan công an để điều tra làm rõ, như dấu hiệu lừa đảo, sử dụng một bộ hồ sơ, một tài sản để vay vốn, thế chấp tại hai ngân hàng Techcombank và VDB xảy ra tại Công ty TNHH Lê Hiệp, mức dư nợ 15 tỉ đồng thuộc nhóm xấu nhất, có khả năng mất vốn. Tương tự là vụ Công ty Trúc Lâm vay vốn Chi nhánh VDB Đắk Lắk - Đắk Nông có nhiều sai phạm, có khả năng mất vốn 72 tỉ đồng.

Ngoài ra, với dự án mua tàu cũ giá cao hơn giá trị còn lại trên sổ sách kế toán hơn 2,1 triệu USD tại ĐH Hàng hải, Bộ GTVT cần kiểm điểm, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra. Với việc VDB Chi nhánh Hải Phòng bảo lãnh hơn 293 tỉ đồng cho Công ty Thép Cửu Long - Vinashin đến nay thấy có dấu hiệu cố ý làm trái nhưng chưa xác định được hậu quả. Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, VDB phải giám sát chặt chẽ, nếu phát sinh hậu quả gây thiệt hại thì phải chủ động chuyển cơ quan điều tra, xử lý theo pháp luật. Tương tự, VDB phải kiểm tra lại việc sử dụng 1.000 tỉ đồng tại Vidifi, nếu không thu hồi được đầy đủ thì chuyển cơ quan điều tra...

Thanh tra NHNN về quản lý vàng

Thanh tra CP cho biết trong quý I-2013 sẽ tiến hành thanh tra chấp hành pháp luật tại Ủy ban Chứng khoán và trách nhiệm của NHNN đối với việc quản lý thị trường vàng. Theo Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh, đây sẽ là đợt thanh tra toàn diện đầu tiên về việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước tại các cơ quan này…

Ngoài ra, trong năm 2013 cũng sẽ tiến hành thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Bộ TN&MT về việc quản lý, khai thác khoáng sản, Bộ Công Thương về trách nhiệm quản lý hàng tạm nhập - tái xuất - chuyển cửa khẩu…

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm