Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xã hội ổn định là lợi thế để phát triển

Sáng 26-12, kết luận hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội là một trong những lợi thế giúp chúng ta đạt được nhiều thành công trong thời gian qua. “Nói ra không phải để ca ngợi, để tô hồng mà đây là sự thật, là tiềm năng, là lợi thế của đất nước ta trong thu hút đầu tư - đó là chính trị, xã hội ổn định” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xã hội ổn định là lợi thế để phát triển ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhìn rõ hạn chế để làm tốt hơn

Đánh giá về tình hình KT-XH năm 2012, Thủ tướng cho rằng dù phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm nên đã đạt được những chuyển biến tích cực. Đặc biệt là chính trị, xã hội ổn định trên cơ sở niềm tin của nhân dân được củng cố. “Chính trị, xã hội có ổn định, chúng ta mới tăng được lượng khách du lịch lên con số 6 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải phát huy hơn nữa lợi thế trên. Đừng để khách nước ngoài bị giật túi, giật đồ” - Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận KT-XH còn nhiều bất cập như: Lạm phát dù đã được kiềm chế nhưng theo các chuyên gia thì vẫn chưa thực sự vững chắc. Kinh tế vĩ mô còn nhiều tiềm ẩn hạn chế. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng còn chậm. Việc xử lý hàng tồn kho, nợ xấu còn lúng túng… “Thay mặt Chính phủ, tôi đã nhận lỗi vì điều hành còn nhiều hạn chế khuyết điểm. Kiểm điểm công tác điều hành không phải để phê phán, khẳng định thành tích không phải để ca ngợi lẫn nhau mà để làm tốt hơn” -Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2013 cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sao cho thấp hơn năm trước. “Thông thường, giá cả tăng cao chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm, do đó các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I của năm 2013, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cân đối nguồn tiền, điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với tình hình lạm phát; điều hành tỉ giá hợp lý để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Đặc biệt, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn về hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, bất động sản.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với ba khâu đột phá. Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công cần khắc phục ngay tình trạng dàn trải, lãng phí, tạo sự chuyển biến rõ ràng. Thứ hai, tái cơ cấu DNNN phải kiểm soát, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. “Vai trò của người đứng đầu trong các DNNN rất quan trọng. Viettel thành công cũng là nhờ bố trí cán bộ phù hợp, có năng lực. Do đó, các bộ, ngành cần rà soát lại phương án nhân sự của các DN sao cho phù hợp” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương như Hà Nội và TP.HCM phải kiềm chế cho được tội phạm. Không để nhen nhóm tổ chức phản động; không để điểm nóng khiếu kiện kéo dài. “Các bộ, ngành phải cung cấp thông tin chính thống của ngành mình. Những vấn đề nổi lên thì phải kịp thời thông tin, kể cả những vấn đề nhạy cảm” - Thủ tướng yêu cầu.

Những quyết sách an dân

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Có thể kể tới:

- Không ban hành chính sách thu thuế, phí hạn chế phương tiện cá nhân. Trước đó, vào đầu năm 2012, Bộ GTVT đưa ra dự thảo thu phí hạn chế xe cá nhân đối với ô tô từ 20 đến 50 triệu đồng/xe/năm và bị phản ứng dữ dội. Sau đó, Bộ GTVT đề xuất chia nhỏ mức phí từ 10 triệu đến 25 triệu đồng/năm tùy từng loại xe.

- Giảm lệ phí trước bạ với ô tô dưới 10 chỗ. Theo đó, xe đăng ký lần đầu có mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức thu chung. Mức thu đối với ô tô đăng ký lần hai trở đi là 2% và thực hiện chung trong cả nước. Hiện nay, mức thu đăng ký lần đầu nằm trong khung 10%-20%, mức thu lần hai trở đi áp theo mức thu của xe mới và có giảm chút ít.

- Hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát. Trước đó, từ 24-12-2012, trần lãi suất huy động giảm từ 9% xuống còn 8%/năm. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI năm nay là 6,81%, chỉ tiêu của năm 2013 là cố gắng giữ dưới mức 6,81%.

- Giảm, giãn nhiều loại thuế cho DN. Gia hạn sáu tháng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế GTGT đối với DN. Đồng thời kiến nghị QH cho phép giảm 50% tiền thuê đất của năm 2013-2014 cho DN nếu số tiền thuê đất phải nộp tăng quá hai lần so với năm 2010. DN nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% (hiện nay là 25%) từ 1-7-2013.

- Dành 20.000-40.000 tỉ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà. Theo đó, NHNN dành số tiền này thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để phục vụ cho các ngân hàng thương mại cho người thu nhập thấp, công chức, viên chức… vay để mua nhà.

***

Họ đã nói

Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng

Vừa qua, chúng tôi đã đồng ý thiết lập 10 đường bay mới nên đã tiết kiệm được thời gian bay từ 10 đến 15 phút/chuyến. Tới đây, đường bay Hà Nội - Phú Quốc cũng sẽ được thiết lập để giảm tiếp thêm 20 phút nữa. Như vậy, chỉ nắn lại đường bay thôi mà riêng Vietnam Airlines đã lời được khoảng 200 tỉ đồng. Thời gian bay càng được rút ngắn lại thì chúng ta càng tiết kiệm được rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng PHÙNG QUANG THANH

Khiếu kiện diễn biến phức tạp

Khiếu kiện đông người vượt cấp lên trung ương trong năm 2012 diễn biến rất phức tạp khi xảy ra hơn 29.000 vụ, tăng hơn 4.000 vụ so với năm 2011. Qua phân tích khiếu kiện đông người chủ yếu liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất, diễn ra phức tạp, gây bất ổn an ninh trật tự, có tính chất manh động theo kiểu đối đầu với chính quyền cơ sở. Vì thế, các địa phương rà soát lại tất cả các vụ tranh chấp, khiếu kiện làm rõ nguyên nhân, giải quyết sao cho ổn định tại chỗ, không để phức tạp lây lan, không để khiếu kiện vượt cấp.

Bộ trưởng Bộ Công an TRẦN ĐẠI QUANG

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm