Thuận tình ly hôn: Ra xã là xong?

Cơ quan hộ tịch có thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly hôn, thừa nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ghi nhận chế định ly thân… là những quy định hoàn toàn mới được đưa vào dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Cũng vì lẽ đó mà tất cả vấn đề trên đều có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10-9.

Thuận tình ly hôn: Ra xã xác nhận

Dự thảo luật quy định, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly hôn khi đáp ứng ba điều kiện: Không có con chưa thành niên; con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; và không có tranh chấp về tài sản. Những trường hợp không bảo đảm ba điều kiện trên sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại tòa.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc tất cả trường hợp ly hôn đều phải giải quyết theo thủ tục tố tụng tại tòa án như quy định hiện hành là có phần cứng nhắc, không thuận tiện cho nhu cầu đa dạng của người dân. Và trên thế giới, việc giao cho cơ quan đăng ký hộ tịch (cũng đồng thời là cơ quan đăng ký kết hôn) giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn ngày càng được nhiều nước, vùng lãnh thổ thừa nhận trong luật.

Thuận tình ly hôn: Ra xã là xong? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phía cơ quan thẩm định là Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Ý kiến ủng hộ cho rằng việc giao cho cơ quan hộ tịch xác nhận các trường hợp ly hôn không phức tạp sẽ đơn giản hóa thủ tục giải quyết ly hôn, tạo thuận lợi cho người dân và giảm tải cho tòa án. Trong khi đó, ý kiến phản đối lại lo ngại cơ quan đăng ký hộ tịch khó có đủ điều kiện về nhân sự, trình độ chuyên môn và cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, việc giải quyết tranh chấp phát sinh sau khi cơ quan đăng ký hộ tịch xác nhận ly hôn sẽ xung đột về thẩm quyền, thủ tục; có thể lợi dụng ly hôn để tẩu tán tài sản, che giấu tài sản để trốn tránh trách nhiệm hình sự, dân sự trong những vụ án khác... Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội ủng hộ quan điểm thứ hai này.

“Không nên coi thường vấn đề thuận tình ly hôn trong giai đoạn hiện nay. Nên tiếp tục để tòa án giải quyết vì còn liên quan đến nhiều vấn đề lắm: chia con cái, tài sản; rồi vấn đề ly hôn giả để trốn nợ, để xuất cảnh…” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cảnh báo.

Phó Chánh án TAND Tối cao Tưởng Duy Lượng cũng không ủng hộ quan điểm của dự thảo. Ông Lượng phân tích không phải mọi thỏa thuận của đương sự đều được công nhận mà phải đánh giá xem thỏa thuận đó có hợp pháp hay không; và thực tế, “ngay cả thẩm phán chuyên nghiệp cũng không hẳn giải quyết mọi trường hợp đều đúng”. “Khi chính quyền cơ sở đủ mạnh thì giao về cho cán bộ hộ tịch xử lý. Kèm theo đó phải quy định rất rõ khi có khiếu nại thì giải quyết thế nào và phải có cơ chế sửa sai” - ông Lượng nói.

Được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Dự thảo luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng thừa nhận các trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

“Thực tế nhiều cặp không có khả năng sinh con, họ ra nước ngoài thuê mang thai hộ, rõ ràng là có mục đích thương mại rồi. Những trường hợp này chúng ta xử lý thế nào?” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng băn khoăn.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận đây là vấn đề thực tế đang diễn ra. Ông Cường nhắc lại chuyện cách đây hai năm, cảnh sát Thái Lan phát hiện ra việc 15 cô gái Việt Nam mang thai hộ cho người Đài Loan. Kết quả cơ quan chức năng vẫn phải giải quyết để những đứa trẻ đó được mang tên bố để các em được xuất cảnh sang Đài Loan. “Quan điểm của chúng tôi là trên hết phải cố gắng làm sao để quyền lợi của trẻ em, người mẹ, người yếu thế phải được bảo vệ” - ông Cường nói.

“Mới nghe nói về vấn đề này thì thấy rất hay nhưng quy định điều kiện thế nào để thực thi lại là việc không đơn giản. Việc mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà thậm chí cả tính mạng của người mang thai. Đọc quy định không thấy điều kiện ràng buộc, chăm sóc sức khỏe cho người mang thai, rồi lỡ người mang thai hộ chết thì sao? Hay tới lúc sinh con xong không giao con thì xử lý thế nào? …” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Ý tưởng mới này của ban soạn thảo cũng nhận được một phiếu ủng hộ từ phía Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. Tuy nhiên, ông Lý cũng lưu ý dự thảo cần quy định chặt chẽ để tránh tạo kẽ hở cho việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho biết Thường trực Ủy ban này tán đồng với đề xuất của dự thảo. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng, nếu không sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.

Ý kiến trái chiều về hôn nhân đồng giới

Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp cho hay hiện chưa có cuộc điều tra chính thức nào về số người đồng tính ở Việt Nam. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu khác nhau nhưng cho các tỉ lệ khác nhau, biến động từ 1% đến 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận họ là người đồng tính và song tính. Nếu lấy tỉ lệ trung bình, “an toàn” mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì số người đồng tính và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 59 vào khoảng 1,65 triệu người.

Dự thảo luật quy định “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính” nhưng lại quy định các nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống như vợ chồng giữa họ. Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói đây là “nhạy cảm” nhưng lại là một thực tế đang tồn tại. “Cần xử lý vấn đề hết sức thực tế và phải có lộ trình. Nhà nước không thừa nhận quan hệ đồng giới, cấm thì không cấm nhưng chưa công nhận ngay, anh muốn sống cùng nhau thì sống…” - ông Hiện nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại có quan điểm khác. “Quy định như dự thảo là rất dở dang: Không cấm nhưng cũng không thừa nhận. Luật pháp là phải rõ ràng, công nhận hay không công nhận. Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, luật không cấm là người ta được làm và được làm thì hậu quả pháp lý ra sao? Cứ nửa chừng thế này thì hậu quả pháp lý như thế nào? Tôi ủng hộ việc công nhận. Về quyền con người thì phải công nhận” - ông Lý nhấn mạnh.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm