Tổ chức chính quyền địa phương: Không nên rập khuôn!

Ngày 17-4, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH)) đã tổ chức hội thảo “Xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) phù hợp với Hiến pháp năm 2013” tại TP Đà Nẵng. Theo PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, khi tiến hành xây dựng Luật Tổ chức CQĐP lần này, QH sẽ rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, nội dung nào trái với Hiến pháp 2013 thì phải dừng ngay hoặc hủy bỏ, nội dung có thể sử dụng thì bổ sung hoàn thiện. “Luật Tổ chức CQĐP dự kiến sẽ được trình QH xem xét vào cuối năm nay và thông qua vào năm 2015” - ông Thảo thông tin.

Liên quan đến các nội dung CQĐP trong Hiến pháp 2013, TS Thảo nhìn nhận “Hiến pháp 2013 rất khái quát nhưng cũng rất mở đối với CQĐP”. Ông Thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ hiện nay, chẳng hạn như việc có nhất thiết phải quy định nơi nào cũng cần có ba cấp chính quyền hay không. “Ở Đà Nẵng họ đề nghị chỉ có hai cấp, vậy có đúng với Hiến pháp không?”, TS Thảo đặt vấn đề và cho rằng: “Nếu toàn dân, ĐBQH mong muốn giữ HĐND ở cả ba cấp thì sẽ giữ như cũ mà không vi hiến. Còn nếu nhân dân, ĐBQH cho rằng không cần thiết phải có HĐND ở cả ba cấp thì cũng không có gì sai. Sẽ có những đơn vị hành chính vẫn có chính quyền nhưng chính quyền không đầy đủ (chỉ có UBND mà không tổ chức HĐND). Tuy nhiên, cần phải đưa ra tiêu chí nơi nào được và nơi nào không được thực hiện điều này” - ông Thảo nói.

Tổ chức chính quyền địa phương: Không nên rập khuôn! ảnh 1
 

PGS-TS Trương Đắc Linh đang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ PHI

Về vấn đề trên, PGS-TS Trương Đắc Linh, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: “Không phải nhất thiết ở đơn vị hành chính nào cũng tổ chức cơ quan dân cử”. Minh chứng cho vấn đề này, PGS-TS Linh thông tin: “Ngay từ khi thành lập nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận rất rõ về điều này bằng việc ký sắc lệnh số 63 và 77 về tổ chức HĐND và Ủy ban Hành chính (tức UBND). Nhưng chỉ có các đơn vị hành chính cơ bản như tỉnh, TP, thị xã và xã mới tổ chức chính quyền đầy đủ - có cả HĐND và UBND. Còn các đơn vị hành chính trung gian như kỳ (bộ), huyện và khu phố không tổ chức HĐND mà chỉ có UBND. TS Linh cho rằng vấn đề cần thiết nhất hiện nay là cần phải xác định rõ đơn vị hành chính nào phải tổ chức chính quyền hoàn chỉnh và đơn vị nào thì không. Muốn thế phải tiến hành tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường hiện nay một cách kỹ lưỡng. Đồng thời, kế thừa tinh thần hai sắc lệnh tổ chức CQĐP của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây. Trên cơ sở đó mới gút lại vấn đề này. “Nhưng không thể cào bằng đơn vị hành chính nào cũng đều có UBND và HĐND như bấy lâu nay là không hợp lý” - TS Linh bày tỏ quan điểm.

Đồng tình, PGS-TS Võ Kim Sơn, Học viện Hành chính Quốc gia, cho hay trên thực tế của nhiều nước, mô hình tổ chức bộ máy CQĐP rất đa dạng, phong phú và không mang tính chuẩn mực. Tuy nhiên, vận dụng như thế nào lại là vấn đề thách thức. “Ngay lúc này, các TP như TP.HCM, Đà Nẵng đang mong đợi có thể áp dụng mô hình tổ chức CQĐP theo tính đặc thù của mình nhưng lấn cấn các quy định trong Hiến pháp đang làm cho công việc này gặp khó khăn” - PGS Sơn nhận định.

LÊ PHI

 

Cần tổ chức chính quyền đô thị hai cấp

TS Nguyễn Văn Cương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), cho hay cư dân đô thị nhìn chính quyền là chủ thể cung cấp dịch vụ công, họ đòi hỏi sự phục vụ tinh tế và đặc biệt. Vì vậy chính quyền đô thị (CQĐT) phải có sự quản lý, cách thức phục vụ khác với nông thôn. “Càng nhiều tầng nấc thì thông tin càng nhiễu và quản lý sẽ có vấn đề” - TS Cương nói và thông tin các địa phương được thí điểm đều cho rằng nhờ không tổ chức HĐND quận, huyện, phường mà việc quản lý, điều hành của họ nhanh và năng động hơn nhiều so với ba cấp. “Hiến pháp mở để có thể thiết kế được CQĐT ít tầng nấc hơn vì vậy chúng tôi ủng hộ việc tổ chức CQĐT chỉ hai cấp” - TS Cương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm