“Tôi” hay “chúng ta”?

Ý kiến mà ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (QH) nêu ra tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn ngày 14-6, có vẻ hơi “nặng” và bất ngờ với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng yêu cầu ấy phản ánh tâm tư chung của nhiều ĐBQH, khi rất khó rành mạch trách nhiệm cá nhân trong cơ chế lãnh đạo tập thể hiện nay.

QH có chức năng quan trọng là giám sát tối cao. Đối tượng của giám sát được cá thể hóa tới từng chức danh cho QH bầu, phê chuẩn. Tương ứng với mỗi chức danh đó là trách nhiệm, quyền hạn do luật định, cũng là cơ sở để QH đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người. Chính vì vậy, giải trình hay trả lời chất vấn trước QH, các bộ trưởng, lãnh đạo TAND Tối cao, VKSND Tối cao lẽ ra chỉ có thể xưng “tôi”, gắn với đó là công việc đã làm theo thẩm quyền luật định.

Thực tế, không phải chỉ khi trả lời chất vấn, các chức danh nhà nước mới nhầm vai nhân xưng như thế. Phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, 47 chức danh đã có báo cáo công tác của mình. Trong các báo cáo ấy, chỉ một vài người trình bày “tôi đã làm gì, thế nào”. Còn thì đa số theo cách bộ đã thế này, chính phủ đã thế kia… để báo cáo. Như thế, ĐBQH có thể nắm được bộ, ngành đó năm qua đã làm gì nhưng thật khó để đánh giá cụ thể những quyết sách mà vị bộ trưởng đó đã ban hành, chỉ đạo thực hiện với tư cách tư lệnh ngành.

Tất nhiên, cũng có những cái khó, thậm chí là tế nhị. Có vị bộ trưởng tâm sự thật là công việc ở bộ mình được quyết định thông qua cơ chế tập thể, có cả vai trò của các thứ trưởng và cả ban cán sự Đảng nữa. Vậy nên báo cáo với QH mà chỉ “tôi” và “tôi”, có thể làm chạnh lòng bao người khác.

Như thế, để bớt đi mờ, nhòe trách nhiệm cá nhân, không chỉ đòi hỏi tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm ở mỗi trưởng ngành. Có lẽ còn cần cả những cải cách trong bộ máy, để trách nhiệm cá nhân trở nên sáng rõ hơn, không chỉ khi báo cáo trước QH, mà ngay trong công việc hằng ngày ở từng cơ quan nhà nước.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm