TP.HCM mạnh tay xử lý đua xe

Hôm qua (1-3), kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa VIII đã dành cả ngày để bàn sâu về chuyên đề An toàn giao thông năm 2012. Đến cuối ngày, 100% đại biểu đã thông qua nghị quyết về tăng phí lưu giữ các xe vi phạm giao thông gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội và nghị quyết kiến nghị về việc tịch thu các xe này.

Phí lưu giữ xe đua: 500.000 đồng/ngày

Theo tờ trình của UBND TP do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín trình bày, có tám hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội cần áp dụng tăng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện tạm giữ lên thành 500.000 đồng/ngày/chiếc (hiện mức phí tạm giữ xe máy vi phạm nói chung là 6.000 đồng/ngày/chiếc). Đó là các hành vi: chạy xe dàn hàng ngang từ ba xe trở lên; bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư; chạy xe thành đoàn gây cản trở giao thông; dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi một bên hoặc nằm trên yên để điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy; chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường; chạy xe một bánh đối với xe hai bánh, chạy xe hai bánh đối với xe ba bánh; chạy xe thành nhóm từ hai xe trở lên quá tốc độ quy định.

Tám hành vi trên cũng được UBND TP trình và HĐND TP thông qua bằng nghị quyết kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho phép TP.HCM được thí điểm xử phạt bằng hình thức tịch thu xe ngay lần đầu tiên vi phạm, bất kể chủ sở hữu. Thời gian thí điểm đến hết năm 2013.

TP.HCM mạnh tay xử lý đua xe ảnh 1

Năm 2012, TP sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kéo giảm ùn tắc và TNGT. Trong ảnh: Một điểm kẹt xe thường xuyên trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Ảnh: L.ĐỨC

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Từ năm 2008 đến nay, TP đã quyết liệt triển khai hàng loạt biện pháp với quyết tâm bảo vệ tính mạng, tài sản của người đi đường. Đó là: phân luồng, tổ chức lại giao thông một cách khoa học trên nhiều tuyến đường; điều chỉnh tuyến vành đai lưu thông cho xe tải; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm giao thông…

Theo ông Quân, để thực hiện Năm An toàn giao thông 2012, TP sẽ chú trọng vào năm giải pháp cơ bản. Trong đó, tập trung kinh phí để mở rộng 16 tuyến đường, đặt dải phân cách ở 12 tuyến đường lớn, hoàn thiện đèn tín hiệu giao thông ở 65 giao lộ, xử lý các điểm đen về tai nạn, ùn tắc giao thông… Các lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay với các hành vi đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, tăng cường phạt nguội và xử lý nghiêm người rải đinh, vật sắc nhọn ra đường…

Về bố trí giờ làm việc, giờ học tập, ông Quân cho rằng TP sẽ điều chỉnh một cách khoa học, hợp lý và có từng bước đi thận trọng, tránh gây xáo trộn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Cũng trong năm 2012, TP sẽ đưa ra nhiều biện pháp hạn chế xe cá nhân, trong đó có biện pháp tăng các loại phí (lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký, biển số...).

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM: Tôi xin nhận trách nhiệm

Hiện tình trạng ùn tắc, TNGT ở TP vẫn diễn biến phức tạp; số vụ, số người chết và bị thương do TNGT xảy ra hằng năm vẫn chưa giảm nhiều; các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút hoặc ùn tắc cục bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là vào các giờ cao điểm; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè vẫn còn phổ biến; một bộ phận trong lực lượng thi hành công vụ chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm… Với trách nhiệm, vai trò quản lý và điều hành, thay mặt UBND, Ban ATGT TP, cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót, tồn tại trên.

Chủ tịch quận, huyện chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT

Các cơ quan quản lý nhà nước, từ TP đến tận cơ sở phường, xã... phải thực hiện nghiêm các giải pháp quy hoạch đô thị; đảm bảo diện tích để xe khi xây dựng các khu nhà cao tầng, cơ sở dịch vụ. Đặc biệt, chấm dứt tình trạng xe khách liên tỉnh lưu thông ra vào khu vực trung tâm TP.

Các giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2012 không mới nhưng điều quan trọng là phải triển khai thực hiện với một tinh thần cao hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn và quyết liệt hơn. Cá nhân người đứng đầu từng quận, huyện, từng cấp, từng ngành, từng tổ chức phải chịu trách nhiệm trước vấn đề ATGT trên địa bàn, lĩnh vực của mình.

Ông NGUYỄN HỮU TÍN,Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Phạt nhẹ là coi thường tính mạng con người

Các hình thức, mức xử phạt vi phạm giao thông hiện nay chưa tương xứng với hành vi của người vi phạm. Phải phạt nặng hơn nữa, vì phạt nhẹ là coi thường tính mạng con người.

Ông HÀ HÀNH, cử tri quận 3

CSGT nên cam kết không tiêu cực

Từng đơn vị, cá nhân cán bộ, chiến sĩ CSGT và thanh tra giao thông nên có cam kết thực hiện nghiêm việc tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm giao thông và không tiêu cực. Từ đó người dân có cơ sở để giám sát.

Đại biểu HUỲNH CÔNG HÙNG, Trưởng ban VH-XH - HĐND TP

Nên biết từ chức khi vi phạm giao thông

Nhiều cán bộ lãnh đạo đi xe số biển xanh có cuộc họp lúc 7 giờ 30 nhưng đợi đến 7 giờ 15 mới lên xe rồi thúc lái xe phải chạy thật nhanh, lấn vượt ào ào. Sao họ không đi trước cuộc họp 30-45 phút cho an toàn, hợp luật? Trường hợp vi phạm như thế thì lãnh đạo nên có văn hóa từ chức chứ không thể đổ cho bận và do lái xe.

Đại biểu VƯƠNG ĐỨCHOÀNG QUÂN

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm