TP.HCM: Tuyến đầu của bứt phá, đổi mới

Trong 37 năm xây dựng và phát triển, TP.HCM đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành quả ấy được kiến tạo bởi cả một quá trình bứt phá không mệt mỏi của lãnh đạo và nhân dân TP. Trong đó, có thể nói tinh thần dám đổi mới để thích ứng với đòi hỏi của thực tiễn đóng vai trò rất quan trọng.

TP.HCM: Tuyến đầu của bứt phá, đổi mới ảnh 1
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về truyền thống đi đầu đổi mới của TP.HCM, PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM (ảnh), nói: TP.HCM luôn là nơi năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân đã tạo ra những mốc son với nhiều mô hình mới. Điều đó đã góp thêm chất liệu sống đầy sinh động để hình thành đường lối đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Đổi mới là thuộc tính tự nhiên

. Như PGS nói thì tiên phong trong đổi mới đã trở thành nét đặc trưng của TP.HCM trong gần 40 năm qua?

+ Đúng thế, điều ấy dường như là “thuộc tính tự nhiên” của Sài Gòn-TP.HCM. Bứt phá, đổi mới, không chấp nhận cái cũ luôn xuất phát từ nơi này và chính điều đó làm nên những giá trị phát triển cho đô thị lớn nhất đất nước. Và có lẽ, sẽ là không ổn nếu TP.HCM mất đi thuộc tính này.

. Trong lịch sử phát triển của TP.HCM, chúng ta đã từng chứng kiến những sự “xé rào” đổi mới rất mạnh mẽ từ những người đứng đầu TP. Theo ông, nền tảng cho những quyết định ấy là gì?

+ Đó là tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào sức mạnh trí tuệ và sức lực của quần chúng, vì lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Tất cả những điều đó được vận dụng để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách. Điều này được ghi dấu ấn một cách xuyên suốt qua các thời kỳ lãnh đạo của TP.

Chẳng hạn, năm 1979-1980, tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân Sài Gòn phải ăn độn bo bo, khoai, sắn. Thêm vào đó lại có sự thách thức thật hiểm nghèo: 1978-1979 chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc xảy ra… Chiến tranh, đói kém, tệ nạn xã hội, sự phá hoại của các thế lực phản động, một số thành phần dân cư có tư tưởng bất mãn cùng với những sai lầm, những giải pháp không phù hợp trong cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, tình trạng ngăn sông cấm chợ, gây nên tâm lý bất an cho xã hội.

Khi ấy người đứng đầu TP là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt phải lo “chạy gạo” cho dân. Ông đã tổ chức họp các bên liên quan (giám đốc ngân hàng Lữ Minh Châu, bà Ba Thi bên Công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải…) đến giao nhiệm vụ cụ thể để xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo sát giá thị trường (gấp ba lần giá nhà nước). Làm như vậy là sai nguyên tắc, sai chủ trương và bị Ủy ban Vật giá “kiện” lên trung ương. Sai nguyên tắc, sai chủ trương nhưng lại cứu đói cho dân TP. Rõ ràng ông đã thẩm thấu sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: Người dân chỉ biết giá trị của độc lập tự do khi được ăn no, mặc ấm.

TP.HCM: Tuyến đầu của bứt phá, đổi mới ảnh 2

Mặc dù khó khăn chồng chất trong thời kỳ đầu xây dựng TP nhưng Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đã nỗ lực hết mình để phát triển kinh tế, chăm lo sản xuất, tạo công ăn việc làm, đưa TP đi vào ổn định. Trong ảnh: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đang là Chủ tịch UBND TP (đầu tiên từ phải sang), thăm nhà máy phân bón hữu cơ đầu tiên của TP. (Ảnh chụp lại từ tư liệu)

TP.HCM: Tuyến đầu của bứt phá, đổi mới ảnh 3

TP.HCM ngày càng vươn cao vươn xa, “cùng cả nước, vì cả nước” tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Đại lộ Nguyễn Văn Linh hoàn thành đã góp phần làm nên bộ mặt mới của TP. Ảnh: HTD

Lấy thực tiễn làm thước đo phát triển

. Cái mới ít khi được chấp nhận ngay, cho nên những quyết định “xé rào” thường phải đối mặt với sự phản kháng của cơ chế cũ. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo cần phải như thế nào?

+ Đúng là cái mới luôn phải đối mặt với sự phản kháng từ cái cũ. Nhưng điều quan trọng ở đây là cái mới ấy có thật sự xuất phát từ sự bức bách của thực tiễn hay không. Nếu sự bức bách ấy là đòi hỏi của thực tiễn và vì lợi ích của người dân thì người lãnh đạo phải quyết để làm.

Còn nhớ tháng 8-1979, Thành ủy ra Nghị quyết IX về những vấn đề bức bách của cuộc sống, về sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trong thời kỳ xây dựng xã hội mới. Mục đích là để thoát ra khỏi cơ chế cũ, thoát khỏi sự trói buộc của chế độ cấp phát - giao nộp, thiết lập quan hệ kinh tế bình thường theo quy luật của sản xuất hàng hóa, mở rộng quan hệ thị trường, giao quyền chủ động cho cơ sở bung ra vì mục đích tăng hiệu quả sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người lao động.

Song, cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ để thay đổi cơ chế quản lý kinh tế trong thực tế đã không đơn giản, không diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió. Cuối năm 1982, trong vòng một tháng có sáu đoàn kiểm tra đến TP đã đặt ra nhiều vấn đề phê phán, lo ngại sự phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Từ đó một số quy định mới về xuất nhập khẩu, về kiều hối, điều chỉnh giá bán buôn… lại kìm hãm các quy định sản xuất kinh doanh.

Trong tình hình ấy, với bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách, với trách nhiệm trước trung ương, trước nhân dân, Thành ủy TP.HCM mà người đứng đầu khi đó là ông Nguyễn Văn Linh đã luôn chủ động để tiếp tục tìm cách tháo gỡ để cho các nhân tố mới tiếp tục hình thành và phát triển. Tranh thủ lúc một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang có mặt ở Đà Lạt, ông đã tổ chức cho các doanh nghiệp báo cáo thực tiễn của đổi mới mang lại lợi ích như thế nào vào tháng 7-1983. Sau đó các lãnh đạo trung ương đã về TP khảo sát thực tiễn. Kết quả của đợt tiếp cận, trao đổi trên đây đã có tác động đến Hội nghị Trung ương lần 6, 7 (khóa V), mở ra một giai đoạn tiếp tục đấu tranh về quan điểm đổi mới từ trung ương đến địa phương. Có thể nói “Hội nghị Đà Lạt” tháng 7-1983 là một dấu ấn đáng ghi nhớ trong quá trình lãnh đạo đầy bản lĩnh, năng động sáng tạo của Thành ủy TP.HCM.

Lợi ích của dân là bất biến

. Truyền thống quý như vàng của TP xuyên suốt bao thời gian qua cần phải được gìn giữ và phát huy như thế nào trong sự phát triển ngày nay, thưa ông?

+ Bài học quan trọng nhất là bám sát thực tiễn, lo cho dân và chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Hãy lấy lợi ích của dân, của đất nước, dân tộc làm mục tiêu, động lực cho đổi mới và xem đó là yếu tố bất biến, không thay đổi. Còn những chủ trương, chính sách thì hoàn toàn có thể thay đổi để phù hợp với đòi hỏi của tình hình phát triển.

Trên cơ sở đó, người lãnh đạo phải có bản lĩnh để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với lòng dân, phù hợp với quy luật vận động, phát triển. Bởi vì sự đổi mới, sự năng động là xuất phát từ dân, từ thực tiễn. Đó là khởi nguồn, là cơ sở để Đảng tổng kết, hình thành đường lối đổi mới và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Thiết nghĩ, bài học ấy luôn có ý nghĩa đối với mọi thời kỳ. Đó cũng là điều kiện đảm bảo cho TP phát triển không ngừng, vẫn giữ vững bản chất, truyền thống của TP anh hùng, TP mang tên Bác Hồ vĩ đại.

. Xin cảm ơn PGS.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm