Từ một chuyện quá nhẫn tâm

Theo thông tin báo chí cụ là Đặng Thị Nài ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có chồng và con trai là liệt sĩ, ở với người con trai còn lại vốn được nuôi dạy học hành đàng hoàng, là cán bộ nhà nước đã về hưu. Khi họ làm được nhà mới ra ở riêng thì cụ ở với hai vợ chồng người cháu nội. Tiếng là ở với con trai và rồi với cháu nội nhưng ngôi nhà của cụ trở thành địa ngục. Cụ bị vợ chồng con trai đối xử không ra gì và rồi khi ở với vợ chồng đứa cháu nội thì cụ lại là đối tượng bị chúng ngược đãi tàn tệ. Hàng xóm biết chuyện can ngăn thì bị chúng phản ứng dữ dằn, mà chính quyền và công an xã biết song không can thiệp nên họ cũng đành buông xuôi. Đến khi cụ bị đánh đập, kêu la dữ dội hàng xóm đến thì thấy cụ đã nằm bất tỉnh trên nền nhà. Mấy ngày sau, người cháu gọi cụ bằng o ruột mới gọi chính quyền thôn xã đến can thiệp đưa đi bệnh viện. Được cứu chữa, rồi bệnh viện cho về với giấy xuất viện được ghi rõ: “chấn thương hàm mặt, gãy cổ xương đùi do bị đánh”. Và hai ngày sau cụ qua đời.

Ai đánh cụ? Thưa rằng đó là vợ chồng cháu nội cụ - Trần Chí Hiếu, hiện làm ở Công ty Xăng dầu Quảng Bình và vợ là Nguyễn Thị Hiền, giáo viên phổ thông! Nghĩa là họ là cán bộ, giáo viên chứ không phải là kẻ “đầu trộm đuôi cướp”, “khát máu tanh lòng” (Báo Thanh Niên ngày 10-1-2008). Pháp luật sẽ xử những đứa con và cháu nội của bà cụ xấu số này ra sao?

Hiến pháp có Điều 64 ghi rõ “con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ”. Bộ luật Dân sự có Điều 610, Luật Hôn nhân và gia đình có Điều 107. Rõ hơn cả, Bộ luật Hình sự có Điều 151 ghi về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”. Nhưng xem ra khung hình phạt cũng chưa tương xứng với hành vi của con trai và vợ chồng cháu nội cụ Nài. Có lẽ hành vi man rợ nói trên của chúng vượt quá khung “tư duy” của nhà làm luật, vì chúng đã làm điều “thương luân bại lý” mà người còn chút nhân tính không thể làm nổi.

Thời Xuân Thu là thời kỳ khủng hoảng của xã hội lệ nông Trung Hoa, đạo lý xã hội bị rối loạn, Khổng Tử muốn cứu vãn nhân tâm đã dày công xây dựng triết lý giáo dục, một trong những việc làm đó là sách Lễ ký. Chương Tam niên vấn trong sách này có ghi : “Phàm sinh ra trong khoảng trời đất, những loài có huyết khí đều có năng khiếu hiểu biết, biết yêu đồng loại... Trong đó, không có loài nào có khiếu hiểu biết bằng con người”. Sau khi lên án những hành vi bất hiếu, mất nhân tính, sách Lễ ký viết: “Bắt chước những kẻ ấy không bằng loài cầm thú. Làm sao họ có thể sống chung mà không sinh ra loạn được”.

Đất nước ta đang là “ngôi sao đang lên”, môi trường đầu tư đang được chăm sóc để vẫy gọi nguồn vốn chảy vào, liệu hành vi “thương luân bại lý” của con trai và cháu nội cụ bà xấu số kia có là hồi chuông thức tỉnh nhân tâm...? Điểm trên mặt báo ra hàng ngày, đây không còn là hiện tượng quá cá biệt, mục “Thời Luận” này cũng đã mấy lần đánh động.

Đây đang là một vết thương xã hội quá nhức nhối cần phải được chữa trị từ gốc.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm