Tường thuật từ tâm bão (III): Siêu lũ bắt đầu

Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo sáng 30-9, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 4 giờ sáng 30-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, tức là từ 39 đến 61 km/giờ, giật trên cấp 7.

Ngày 1-10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Chiều 1-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực nam Lào.

Lũ đang đặc biệt lớn trên các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên. Ngày 29-9, từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có mưa to đến rất to. Nhiều nơi lượng mưa lên đến trên 500 mm như Nam Đông 708 mm, Trà Bồng 678 mm, Quảng Ngãi 566 mm. Lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Dăk Lăk đang lên nhanh. Riêng các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum đang ở mức rất cao.

Sáng 30-9, lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có khả năng lên trên mức báo động III từ 1 - 3m, tương đương với đỉnh lũ tháng 11-2007.

Vào 20 giờ ngày 29-9, PV Viễn Sự gửi bài viết mới nhất “Đường vào tâm bão” từ tỉnh Quảng Nam về PLO. Khi bài báo này được đăng trên PLO, hàng ngàn người vẫn đang bị biển nước bao vậy trên quốc lộ 1A từ Bình Sơn (Quảng Ngãi) đến Núi Thành (Quảng Nam).

18 giờ ngày 29-9, tôi đã thoát khỏi vùng tâm bão Bình Sơn và Núi Thành. Tuy nhiên, hàng ngàn người rơi vào vùng tâm bão đã không may mắn như vậy.

Các ngả đường đều chia cắt

Rạng sáng 29-9, bão số 9 bất ngờ đổi hướng từ tây sang tây nam làm cho Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định rơi vào vùng đặc biệt nguy hiểm.

9 giờ sáng, tàu SE2 – chuyến tàu duy nhất đang chạy vào tâm bão bị ách lại ở ga Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vì gió đã mạnh cấp 8, cấp 9 giật liên hồi. Hai bên đường, nhiều nhà dân đã tốc mái, lác đác có những bức tường gạch ngổn ngang. Tàu được lệnh dừng bánh vô thời hạn tại Bồng Sơn vì phía trước Quảng Ngãi, Tam Kỳ đã có gió giật cấp 12.

Tôi quyết định rời tàu và đi đường tắt từ ga Bồng Sơn ra quốc lộ 1 để vẫy xe đi tiếp bởi đây là tuyến đường duy nhất đi vào tâm bão, sau khi đường sắt và đường hàng không hoàn toàn tê liệt. Cô Khuyên, một người tốt bụng chủ chiếc xe đò 53N-4356 đã nhiệt tình dừng lại khi tôi chìa thẻ nhà báo xin đi nhờ. Xe chạy trong mưa gió mịt mùng và dấu hiệu không lành ngày càng hiện rõ khi từ phía Quảng Ngãi, Quảng Nam hầu như không có chiếc xe nào chạy ngược vào. Dọc đường đã có ba chiếc xe bốn chỗ nằm chỏng vó vì chịu không nổi sức gió.

Tin liên quan:

* Miền Trung đang chạy lũ

* Nhật ký ngày bão

Miền Trung khẩn cấp đối phó bão số 9

Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế mịt mù mưa giông

Tường thuật từ tâm bão (I)

Tường thuật từ tâm bão (II)

11 giờ trưa, xe lao qua Mộ Đức, Tư Nghĩa rồi thành phố Quảng Ngãi, oằn trong gió. Gió bắt đầu dữ dội hơn khi qua cầu Trà Khúc, dưới chân cầu, đoạn huyện Sơn Tịnh, một ngôi trường vừa đổ sập một gian, tường ngã, cây cổ thụ ngổn ngang.

Hai bên đường tôn bay loạn xạ, nhiều xe bị tôn văng vỡ cả cửa kính. Nhiều trụ điện ngã rạp vắt dây ngang đường làm cho giao thông càng thêm căng thẳng. Các tài xế cho biết thông tin ban đầu tâm bão sẽ vào Đà Nẵng hoặc Thừa Thiên -Huế đã làm họ chủ quan đi tiếp nên dính tâm bão khi vừa đến Quảng Ngãi.

12 giờ 30, chiếc xe đò tôi đi buộc phải vào nấp ở một cây xăng tại Châu Ổ (huyện Bình Sơn). Hai bên đường, tất cả các cây xăng, quán ăn có đến hàng trăm chếc xe vào trú bão chật kín. Tuy nhiên, nhiều điểm trú ẩn không còn an toàn vì có những trụ xăng bị bật móng, nhiều nhà dân đổ sập, tôn ngói bay chi chít. Thông tin về dự báo bão đồng nghiệp cập nhật qua điện thoại đã chính thức xác nhận: Bình Sơn và Núi Thành đang rơi vào tâm bão với sức gió ấp 12, cấp 13.

Một số hình ảnh phóng viên Nguyên Linh ghi lại tại Thừa Thiên Huế:

Nước sông Hương đã tràn bờ chạy ồ ạt vào các cổng thành Đại Nội Huế khiến giao thông bị chia cắt. Ảnh chụp 16 giờ ngày 29-9. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Nước sông Hương đã tràn bờ chạy ồ ạt vào các cổng thành Đại Nội Huế khiến giao thông bị chia cắt. Ảnh chụp 16 giờ ngày 29-9. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Tuyến đường quốc lộ 1A, đoạn đi qua TP Huế đã bị ngập sâu 0,5m. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Tuyến đường quốc lộ 1A, đoạn đi qua TP Huế đã bị ngập sâu 0,5m. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Đám cưới “chạy lũ” trên đường Bạch Đằng (TP Huế) chiều 29-9. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Đám cưới “chạy lũ” trên đường Bạch Đằng (TP Huế) chiều 29-9. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Ông Nguyễn Văn Nghiện (xã Lộc Tiến, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đứng bần thần trước căn nhà bị bão đánh sập hoàn toàn. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Ông Nguyễn Văn Nghiện (xã Lộc Tiến, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đứng bần thần trước căn nhà bị bão đánh sập hoàn toàn. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Nhà của vợ chồng anh Cường, chị Trót cũng tan hoang theo cơn bão. Ảnh: NGUYÊN LINH
Nhà của vợ chồng anh Cường, chị Trót cũng tan hoang theo cơn bão. Ảnh: NGUYÊN LINH
Người dân sống trong Đại nội Huế phải di chuyển bằng đò. Ảnh: NGUYÊN LINH.
Người dân sống trong Đại nội Huế phải di chuyển bằng đò. Ảnh: NGUYÊN LINH.

Chìm trong lũ

Sau gần ba giờ núp trong xây xăng trú bão, 15 giờ, gió bão có dấu hiệu lắng dịu, nhiều xe ôtô bắt đầu rời nơi trú ẩn, cố chen lên để mong kịp về Đà Nẵng trước lúc trời tối. Nhưng chỉ đi được vài cây số, chưa qua thị trấn Châu Ổ thì biển nước mênh mông hiện ra. Không ai thông báo nhưng tất cả các hành khách đều âu lo khi nhìn nhiều người già và trẻ em trong thị trấn đang được lực lượng cứu hộ di tản ra khỏi nhà. Hai chiếc xe khách xung phong lao xuống trước đã bị nước ngập quá sàn, nước cuốn văng biển số và tắt máy kẹt trong dòng nước hơn 1m trên đường nội thị Châu Ổ.

Cùng với hàng trăm xe khách, chiếc xe phóng viên đi nhờ cũng không thể vượt qua. May mắn một chiếc xe đầu kéo có gầm cao đã cho tôi quá giang và vượt qua được thị trấn Châu Ổ.

Lũ dâng cao uy hiếp những xóm nhà ở Huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ảnh: QUÝ CẦU
Lũ dâng cao uy hiếp những xóm nhà ở Huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ảnh: QUÝ CẦU

Tuy nhiên, qua khỏi đoạn đường này chỉ vài trăm mét thì một biển nước khác lại hiện ra. Tình hình còn nguy ngập hơn khi qua sóng radio, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi cho biết nước sông Vệ và sông Trà Khúc đã quá báo động ba hơn 1m, xấp xỉ và vượt đỉnh lũ năm 1999.

Biển nước trước mặt lúc này không chỉ vài trăm mét mà kéo dài đến 15 cây số, ngập trắng quốc lộ 1A từ Châu Ổ đến gần Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam) 0,6 - 1,5m. Nước dâng từ thượng nguồn quá nhanh đã làm cho hàng trăm xe ôtô vượt qua những đoạn ngập đầu tiên ở Bình Châu (phía bắc Bình Sơn) đã mắc lại giữa dòng nước xiết. Ngoại trừ chiếc xe đầu kéo đủ khả năng vượt lũ, các xe ôtô khách khác đều phải đứng đó chịu trận.

Cả phóng viên lẫn hai tài xế trên chiếc xe đầu kéo đã không khỏi xót xa khi nhiều hành khách trên những chiếc xe gầm thấp bị kẹt giữa lũ đang nhìn theo chúng tôi, có những ánh mắt tuyệt vọng. Nhưng chiếc xe đầu kéo đã không thể dừng lại vì sợ mất dấu tim đường. Nước mỗi lúc mỗi dâng cao, kèm theo gió giật trên cấo 10 từ đuôi bão quật lại làm cho số phận hàng người bị kẹt giữa lũ càng thêm mong manh.

18 giờ, sau ba giờ vật lộn trong biển lũ Bình Sơn, chiếc xe đầu kéo “bơi” được tới huyện Núi Thành, thoát hiểm. Trong khi đó, cả trăm chiếc xe ôtô chúng tôi vừa gặp vẫn đang vật lộn giữa dòng lũ ngày càng lên cao.

21 giờ đêm 29-9, khi gõ xong những dòng chữ này, phóng viên gọi điện cho cô Khuyên, tạm yên tâm vì hành khách trên xe vẫn an lành, cho dù chưa ai có chút gì vào bụng. Nhưng cô Khuyên nói chỉ biết được tình hình của xe mình vào các xe trong nội thị Châu Ổ, còn rất nhiều chiếc khác ở Bình Châu ra sao thì cô không rõ vì nước vẫn mênh mông.

Gần cuối ngày 29-9, số người thiệt mạng vùng tâm bão Quảng Nam và Quảng Ngãi thiệt mạng đã lên đến số 8. Cầu mong lúc rạng sáng 30-9, nếu có một điều nhích lên hy vọng là những chiếc xe mà chúng tôi gặp vượt qua được biển lũ chứ không phải là những tang tóc vừa nghe.

11. 981 nhà bị sập, tốc mái

Theo báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, Trung tâm phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn miền Trung cho biết bão số 9 đã làm 11. 981 nhà bị sập, tốc mái. Nặng nhất là Thừa Thiên - Huế 1.797 nhà, Quảng Ngãi 5.592 nhà… Vùng nằm trong tâm bão Quảng Nam vẫn chưa thống kê số nhà sập, hư hỏng. Cả miền Trung có 110 tàu thuyền bị đánh chìm.

Sẵn sàng ứng cứu bằng trực thăng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Phó Tư lệnh Quân khu 5 điều lực lượng của Sư đoàn 315 và Lữ đoàn 270 cơ động phối hợp với Tỉnh đội Quảng Ngãi thực hiện công tác cứu hộ. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo lực lượng không quân sẵn sàng tham gia cứu hộ bằng trực thăng khi điều kiện thời tiết cho phép.

Báo động lũ trên các sông miền Trung

Sau 2 giờ đồng hồ quần tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi với sức gió cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền, gây mưa to, sức gió còn cấp 12, 13. Mưa kèm theo hoàn lưu sau bão nhiều nơi rất to, từ 500 - 806mm.

Lũ trên sông từ TT-Huế đến Quảng Ngãi dâng lên cao, vượt mức báo động 3. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, đêm 29, sáng 30-9, lũ tiếp tục dâng cao. Tại Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, lũ đặc biệt lớn, tương đương lũ năm 2007 và 1999. Riêng sông Trà Bồng, Quảng Ngãi, lũ sẽ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1964.

38 người chết và mất tích

(Cập nhật đến 20 giờ ngày 29-9-2009 từ các địa phương)

  Tường thuật từ tâm bão (III): Siêu lũ bắt đầu ảnh 8

Quảng Ngãi: Gió giật trên cấp 12, cấp 13 đã làm cho 61 căn nhà sập, hơn 10.000 căn nhà tốc mái, 4 tàu và ca nô chìm, nhiều nơi hệ thống điện thắp sáng, điện thoại liên lạc bị tê liệt.

Huyện đảo Lý Sơn ở nơi đầu sóng có hơn 200 nhà tốc mái, điện thoại bị mất liên lạc từ sáng sớm. Sau bão là đến lũ. Lúc 18 giờ chiều 29-9, mực nước trên sông Trà Bồng đã vượt mức báo động III từ 0,75m đến 1,1m. Nước lũ lên nhanh đã phong tỏa nhiều đoạn trên quốc lộ 1A.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đã huy động 10 xe cơ giới và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ để di dời 260 hộ dân vùng ngập lũ đến nơi an toàn trong đêm 29-9.

Các huyện miền núi của Quảng Ngãi đang đứng trước nguy cơ sạt lở núi gây cô lập. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn cấp trích kinh phí mua mì tôm, nước uống cứu đói cho người dân đang lánh đang dọc khu kinh tế Dung Quất.

Gia Lai: Đến chiều 29-9, mực nước trên các sông Ayun và sông Ba đã dâng cao trên mức báo động III. Riêng trạm Ayun Pa (sông Ba) đỉnh lũ trên mức báo động III là 1– 1,5m. Nhiều nơi mất điện trong nhiều giờ liền.

Các phương tiện cứu hộ quân đội được huy động tối đa, kể cả lực lượng không quân, cố gắng tiếp cận người bị nạn trước khi trời tối. Báo cáo nhanh cho biết mặc dù đã có lương thực dự trữ nhưng nước lên quá nhanh, nhiều hộ dân vẫn cần cứu trợ lương thực, thực phẩm.

Bình Định: Sáng 29-9, tại cửa biển Hưng Lạc, 28 tàu cá nhỏ của ngư dân xã Mỹ Thành đã bị sóng đánh chìm. Rất may không có thiệt hại về người. Đến đầu giờ chiều, tại Bình Định đã có gió giật cấp 7, cấp 8, làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân và nhà nước. Vùng biển xã Mỹ Thọ có 16 tàu thuyền của ngư dân đánh bắt gần bờ chạy vào tránh bão nhưng khi cách bờ 200m thì gặp sóng lớn không thể vào được.

Kon Tum: Nước sông Đăk Bla lên rất nhanh, từ sáng sớm đến chiều 29-9 hàng trăm hộ thuộc các phường Quyết Thắng, Lê Lợi, Thống Nhất… được sơ tán khẩn cấp về ở tạm tại các nhà rông, nhà văn hóa của tổ dân phố.

Tại huyện Tu Mơ Rông cầu Dăk Trăm bị nước cuốn trôi và cầu sắt tại xã Dăk Rơ Ông dài 43m đã bị nước cuốn trôi một phần. Xã Dăk Pxi (huyện Dăk Hà) đã bị nước lũ cô lập hai ngày nay, con đường độc đạo đến xã bị chia cắt bởi cầu Dăk Vét nước ngập sâu trên 4m và cầu tại thôn 12 xã Dăk Mar bị nước lũ đánh sập. Riêng huyện đông Trường Sơn vẫn bị mất tín hiệu thông liên lạc nên chưa xác định được thiệt hại về người và tài sản.

Thừa Thiên – Huế: Đến chiều tối 29-9, tỉnh nđy có hơn 1.000 nhà sập và tốc mái. Nước các sông vượt mức báo động III và vẫn lên nhanh. 70% xã, phường ở TP Huế chìm trong nước lũ.

Nghệ An: Trưa 29-9, người dân đã vớt được thi thể một nam thanh niên khoảng 25 tuổi, mặc áo xanh tình nguyện trôi trên sông Lam, gần cầu Bến Thủy (thuộc địa phận xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Công an Nghệ An đã khám nghiệm tử thi và chưa xác định được danh tính của người chết.

Dù không mưa nhưng nước lũ ở thượng nguồn vẫn đổ về nhiều làm mực nước hạ nguồn sông Lam đoạn qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên, Thah Chương, Nam Đàn và TP Vinh (Nghệ An) đang lên nhanh.

TP.HCM: Ga Sài Gòn hủy chuyến tàu vì bão. Ngày 29-9, ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ga Sài Gòn cho biết do tình hình mưa bão miền Trung làm gián đoạn giao thông đường sắt nên ngành đành hủy một số chuyến đi và đến từ hai ga Sài Gòn - Hà Nội.

Theo đó, bãi bỏ các tàu SE7, SE5, SE1 xuất phát từ ga Hà Nội và tàu SE8, SE6, SE2 xuất phát từ ga Sài Gòn trong ngày 29-9. Bãi bỏ tàu SE7, SE2 xuất phát từ ga Hà Nội và tàu SE8, SE2 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 30-9. Riêng tàu TN2 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 29-9 tiếp tục chạy đến ga Quảng Ngãi là ga cuối cùng. Tàu TN1 xuất phát Hà Nội ngày 29-9 tiếp tục chạy đến ga Đồng Hới là ga cuối cùng.

Hành khách đã mua vé tàu Thống Nhất chạy các ngày 29, 30-9 có nhu cầu trả lại vé thì nhà ga sẽ trả nguyên tiền vé cho hành khách (không thu thủ tục phí).

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Độc giả V.N. TIẾN (quận Bình Thạnh, TP.HCM):

Tường thuật của quý báo rất chi tiết. Tội nghiệp bà con. Quý báo cần mời quyên góp cứu trợ. Tôi sẵn sàng đống góp.  

Độc giả XUÂN TÙNG (đường Trương Định, quận 3, TP.HCM):

Cám ơn nhà báo Viễn Sự và tòa soạn đã có bài viết rất tốt, mang tính tổng hợp và truyền cảm cao.

NHÓM PV-CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm