GIÁO SƯ GARETH EVANS:

“Việt Nam có đủ thông minh và thận trọng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân”

Trước đó, Giáo sư Gareth Evans đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng và đại diện các cơ quan nghiên cứu hàng đầu liên quan đến vấn đề hạt nhân nhằm giới thiệu với Chính phủ Việt Nam về bản báo cáo “Loại trừ đe doạ hạt nhân” trước thềm Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân từ ngày 12-13/4 và Hội nghị Rà soát Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân vào tháng 5 tại Washington - Mỹ và trao đổi một số vấn đề về dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử của Việt Nam vào năm 2014.

“Việt Nam có đủ thông minh và thận trọng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân” ảnh 1

Giáo sư Evans tại buổi phỏng vấn

Sau đây là một số câu hỏi được Giáo sư Gareth Evans trả lời trong buổi phỏng vấn trực tiếp với các phóng viên:

Câu hỏi 1: Xin Giáo sư cho biết đánh giá của ông về những đóng góp của Việt Nam cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới với tư cách là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ thời gian vừa qua?

GS Evans: Trong thời gian là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ cũng như với tư cách là một thành viên của LHQ, Việt Nam luôn có trách nhiệm và có vai trò rất lớn không chỉ riêng trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân mà còn cả trong các vấn đề an ninh khác.

Câu hỏi 2: Tháng trước, Bộ Ngoại Giao Mỹ có nhấn mạnh: “Việt Nam đã chứng minh được cam kết mở rộng năng lượng hạt nhân có trách nhiệm thông qua những bước đi cụ thể trong việc hợp tác với Mỹ và các đối tác quốc tế khác”. Ông có bình luận gì với những phát ngôn tích cực này của Mỹ?

GS Evans: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét đó của Hoa Kỳ bởi Việt Nam trong quá trình phát triển chương trình hạt nhân dân sự của mình đã tỏ rõ và cam kết rằng sẽ không phát triển các cơ sở làm giàu uranium quốc gia mà sẽ dựa vào nguồn cung cấp của quốc tế, đó là tín hiệu khả quan và là thông điệp rõ ràng dành cho các nước mới và có ý định phát triển năng lượng hạt nhân nguyên tử của mình.

Tôi vẫn khuyến khích Việt Nam có những bước tiến tiếp theo hơn nữa trong việc cụ thể như tham gia các hiệp ước quan trọng của quốc tế liên quan đến vấn đề này, cụ thể là Nghị định thư bổ sung của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Mặc dù Việt Nam đã ký kết Nghị định thư này rồi nhưng vẫn chưa phê chuẩn nó, nhưng tôi nghĩ đối với các quốc gia bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân thì việc phê chuẩn rất quan trọng bởi nó tăng cường khả năng giám sát cũng như việc thanh tra giám sát của IAEA tại các nước  cũng như Việt Nam.

“Việt Nam có đủ thông minh và thận trọng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân” ảnh 2

Mô hình nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai

Câu hỏi 3: Việt Nam có kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên vào năm 2014. Vậy theo Giáo sư, thời gian này có quá ngắn cho một nước như Việt Nam - vừa thiếu về kinh nghiệm, vừa thiếu về nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân?

GS Evans: Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và khéo léo trong việc xây dựng dự án lớn như vậy. Tuy thời gian không còn nhiều nhưng Việt Nam sẽ làm được một khi tranh thủ được sự giúp đỡ của quốc tế thông qua việc đưa ra một giải pháp trọn gói cho một nhà máy như vậy. Tôi không biết công nghệ đến từ đâu, từ Hoa Kỳ, Pháp hay Hàn Quốc nhưng quan trọng là Việt Nam sẽ tận dụng tốt sự chuyển giao công nghệ đó, tôi nghĩ trong thời gian đó các bạn sẽ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn cho nhà máy điện hạt nhân của các bạn. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có đủ sự khéo léo và thận trọng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Câu hỏi 4: Việt Nam nên lưu ý vấn đề gì cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thưa Giáo sư?

GS Evans: Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân an toàn, các bạn phải chú ý tới nguyên tắc mấu chốt ba chữ S: Safety (an toàn), Security (an ninh) và Safeguard (bảo đảm), mà trong đó:

Vấn đề “an toàn” như tôi đã trình bày ở trên. Vấn đề “an ninh” là các bạn phải bảo đảm để không một cá nhân nào không có trách nhiệm lại được tiếp cận với nguồn năng lượng cho hạt nhân như vậy. Với vấn đề cuối cùng là “bảo đảm”, tôi luôn khuyến khích Việt Nam sớm phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của IAEA để tăng cường khả năng thanh tra giám sát bởi vì đó là tín hiệu rất nghiêm túc gửi đi cho các nước khác rằng Việt Nam sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời không khuyến khích nước khác làm như vậy.

Câu hỏi 5: Là nước có trữ lượng uranium lớn nhất thế giới (23%), Chính phủ Australia có kế hoạch giúp đỡ Việt Nam như thế nào về vấn đề điện hạt nhân?

GS Evans: Đúng là chúng tôi có trữ lượng uranium lớn nhất thế giới, bởi vì thế chúng tôi có trách nhiệm về đạo đức phải đảm bảo rằng việc cung cấp nguyên liệu của chúng tôi chỉ cho các nước sử dụng vì mục đích năng lượng hoà bình. Tôi cho rằng có cơ hội để hai nước Australia và Việt Na, hợp tác tốt hơn trong vấn đề này, hai bên có thể ký hiệp định song phương về việc cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất của các bạn cũng như các vấn đề đảm bảo khác. Tôi được biết Việt Nam có điều kiện tốt trong quan hệ với hiệp ước NPT và các cam kết trong đảm bảo về vấn đề này và tôi tin rằng hai bên có có thể tiến tới ký kết một thoả thuận như vậy.

“Việt Nam có tiếng nói rất quan trọng trong việc ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân. Qua các cuộc gặp với chính phủ Việt Nam hôm nay, Việt Nam đã tỏ rõ khả năng cũng như thiện chí của mình trong việc tham gia một cơ chế bảo đảm ngăn ngừa vũ khí hạt nhân, tăng cường thanh tra giám sát cũng như theo dõi,tăng cường năng lực cũng như quyền của tổ chức IAEA và cũng như tăng cường thể chế, kỷ luật của các quốc gia là cam kết thực hiện tốt các công ước quốc tế về vấn đề này”.

Theo Thu Trang (NDĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm