Việt Nam đã vượt đáy khủng hoảng

Tại cuộc họp báo chiều qua (5-8), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết Chính phủ đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7. Phân tích chung cho thấy Việt Nam đã vượt qua đáy của khủng hoảng với dấu hiệu là tháng thứ sáu liên tiếp có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương, đạt mức tăng chung của bảy tháng là 5,1% so với năm trước. Thu ngân sách đến giữa tháng 7 đã đạt gần 51% dự toán năm.

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, với mức tăng của tháng qua là +0,3% nhưng tính chung cả bảy tháng vẫn là 13,4%. Các chỉ số về giá cả cho thấy CPI tháng 7 chỉ tăng 0,52% so với tháng trước. Tính ra so với cuối năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,22%. Vì vậy, kết luận về công tác điều hành thời gian tới Thủ tướng khẳng định vẫn tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ cơ bản và chú trọng đẩy mạnh các giải pháp kích thích đầu tư, phát triển với mục tiêu tăng GDP cả năm 5%-5,2%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Cũng trong phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về nghị định thí điểm tổ chức, hoạt động của tập đoàn kinh tế. Theo đó, sẽ có một số điểm mới áp dụng với các tập đoàn vốn đang nắm giữ rất nhiều nguồn lực của xã hội như cho phép thí điểm chào giá cạnh tranh ngay trong nội bộ tập đoàn nếu đầu ra của doanh nghiệp thành viên này là đầu vào của doanh nghiệp kia. Nếu tập đoàn đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản ở nước ngoài mà vượt thẩm quyền của tập đoàn thì Thủ tướng sẽ quyết thay vì phải trình sang Quốc hội. Riêng việc đầu tư ra ngoài ngành, vào những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... phải được Thủ tướng phê duyệt.

Một vấn đề cũng gây tranh cãi là nhân sự tập đoàn đều do Thủ tướng quyết định nên dễ xảy ra việc tập đoàn bỏ qua vai trò quản lý của các bộ, ngành để báo cáo trực tiếp lên Chính phủ. Vì vậy, có những đề xuất cần lập một cơ quan chuyên trách làm đầu mối quản lý tập đoàn. Tuy nhiên, theo ông Muôn, thảo luận ở Chính phủ đi đến thống nhất là trước mắt các cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong phạm vi lĩnh vực mình quản lý. Ngược lại, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng phải thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc với các cơ quan quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm