Xăng máy bay, Chính phủ lại ra tay?!

Lý do được Công ty Xăng dầu hàng không lý giải là xăng của Dung Quất chưa được “phê chuẩn đủ tư cách” là nhà cung ứng (mà việc này Cục Hàng không dân dụng đã ủy quyền cho Vietnam Airlines phê chuẩn). Trong khi đó thì xăng này đã được Dung Quất bán cho hãng BP Singapore để phục vụ cho các chuyến bay quốc tế theo giá thị trường!

Như vậy, nếu như phía Vietnam Airlines và Tập đoàn Dầu khí không chỉ đạo được hai đơn vị thành viên thực hiện hợp đồng thì rất có thể sự việc sẽ phải đưa lên cấp Chính phủ giải quyết!

Có nhiều điều đặt ra nếu các tranh chấp thương vụ của doanh nghiệp (DN) phải đưa lên cấp Chính phủ. Thực tiễn cho thấy đã có nhiều tiền lệ về cách thức điều hành thiếu trách nhiệm, cục bộ lợi ích mà quên đi lợi ích chung ở một số lãnh đạo DN nhà nước dẫn tới phải trình lên Thủ tướng. Gần đây nhất là vụ tranh chấp giá thuê cột điện treo cáp viễn thông giữa Tập đoàn Điện lực với các DN viễn thông, căng thẳng tới mức bên viễn thông định… dựng hàng cột thứ hai!

Trên thế giới ít khi lãnh đạo chính phủ phải can thiệp trực tiếp vào các vụ cụ thể của DN, cho dù đó là DN có vốn nhà nước. Phần lớn thì giờ làm việc của Thủ tướng và nội các dành cho việc xây dựng thể chế và kiểm tra, giám sát. Các DN vi phạm pháp luật sẽ bị chính phủ “tuýt còi”; còn trường hợp tranh chấp hợp đồng giữa các DN hầu hết được giải quyết ở trọng tài hoặc tòa án.

Hoàn cảnh Việt Nam hiện tại khó tránh khỏi chuyện Chính phủ can thiệp vào các hợp đồng kinh tế cụ thể. Đặc biệt trong những vụ việc kiểu như xăng máy bay nếu tiêu thụ trong nước mà tiết kiệm được chi phí vận chuyển, tiết kiệm được ngoại tệ thì có lẽ Chính phủ phải chỉ đạo. Bởi vì chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt” mà Bộ Chính trị phát động đâu phải chỉ cho dân.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm