Xây dựng khối đại đoàn kết vì lợi ích toàn dân

Hòa giải, hòa hợp dân tộc là con đường lớn nhằm xây dựng khối đại đoàn kết - sức mạnh cần thiết để Việt Nam phát triển nội lực và hội nhập trong thời đại mới. 38 năm sau ngày thống nhất đất nước, có nhiều điều ta vẫn cần suy ngẫm để thực thi tốt hơn quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ngồi ở cửa sổ phòng làm việc, nhìn về phía Hội trường Thống Nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (ảnh) trầm giọng mở đầu câu chuyện dài: “Ai cũng muốn chiến tranh thực sự chấm dứt sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Khi ấy, Ủy ban Hòa giải, hòa hợp dân tộc được thành lập với thành phần của các bên để thực thi nhiệm vụ quan trọng ấy - gắn kết tình người, thống nhất các chính sách từ hai phía. Rõ ràng thời điểm đó người Việt Nam của hai miền có thể khác nhau về ý thức hệ nhưng đều cùng một lý tưởng là chấm dứt sự chia rẽ bằng con đường hòa giải, hòa hợp dân tộc”.

Cùng hàn gắn vết thương chiến tranh

. Thưa ông, từng trực tiếp tham gia vào tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, ông có thể cho biết vấn đề này đã được thực hiện thế nào sau khi Hiệp định Paris được ký kết?

Xây dựng khối đại đoàn kết vì lợi ích toàn dân ảnh 1
+ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Tôi trực tiếp tham gia vào phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền đặc trách, đã trực tiếp đến trại Davis vào những ngày cuối cùng của tháng 4-1975 để thực hiện nhiệm vụ này. Theo tôi biết, tất cả những người trong đoàn khi ấy đều mang trong lòng tinh thần hòa hợp, hòa giải; làm sao để Sài Gòn ít đổ máu nhất, dân tộc mình ít tổn thương thêm nữa. Chính phủ Tổng thống Dương Văn Minh lúc đó được lập ra không phải là để đối đầu với Chính phủ của cách mạng mà chủ yếu là để thực thi Hiệp định Paris, tiến tới thống nhất đất nước.

Tôi còn nhớ cái không khí mừng rỡ khi tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định, tuyên bố ở buổi mít-tinh mừng thống nhất đất nước, đại ý rằng: Đây là chiến thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam chứ không phân biệt bên này hay bên kia.

Tất nhiên, khi đó có nhiều người trong chính quyền chế độ cũ ra đi; nhưng phần lớn người ở lại dù bên này hay bên kia, khi nghe tuyên bố như thế thì nhiều người không còn nghĩ đến việc ra đi nữa. Họ ở lại để hợp tác hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trong dòng người khổng lồ đổ xuống đường tham gia mít-tinh thống nhất đất nước ngay sau đó, họ đâu có phân biệt người của cộng sản hay cộng hòa. Toàn dân cùng xuống đường để reo mừng cho đất nước thống nhất.

Xây dựng khối đại đoàn kết vì lợi ích toàn dân ảnh 2

Nhân dân Sài Gòn chào đón Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định. Ảnh tư liệu

Mở cửa, mở lòng

. Từ đó đến nay, ông nhìn nhận thế nào về con đường hòa giải, hòa hợp dân tộc?

+ Riêng mình, tôi thấy những lãnh đạo mà tôi từng tiếp xúc và làm việc đối xử tốt với tôi. Tôi kính trọng họ. Còn nhìn toàn cục về con đường hòa giải, hòa hợp toàn dân tộc, tôi thấy đã có những cố gắng để thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Nhưng để có một khối đại đoàn kết thực sự thì còn phải làm nhiều việc lắm. Trong quá khứ, không phải không có những điều chưa hợp lý. Nó gây ra ít nhiều tổn thương cho tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ví dụ, các đợt cải tạo kinh tế để đưa nền kinh tế miền Nam thống nhất theo chế độ tập trung bao cấp không chỉ gây khó khăn về kinh tế mà còn làm cho không ít người rời bỏ đất nước. Họ không phải những người trong chính quyền cũ mang tư tưởng chống đối, rất nhiều người ủng hộ nền độc lập - hòa bình - thống nhất của dân tộc, nhưng vì những ứng xử không phù hợp thời ấy, họ đã ra đi và mang theo trong lòng biết bao nỗi niềm. Điều này làm cho quá trình mở cửa, đổi mới, hội nhập phải mất một thời gian khá lâu.

Đến nay, Việt Nam đã không còn bị cấm vận, ta gia nhập các tổ chức của khu vực và quốc tế, dịch chuyển nền kinh tế theo định hướng thị trường. Các bước phát triển tiến bộ của đất nước thì ai cũng thấy. Tuy nhiên, cách ứng thức ứng xử của ta đối với vấn đề này cũng gây ra nhiều thắc mắc.

. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Trong tổ chức, điều hành một quốc gia có hai phạm vi: chính trị và kỹ thuật. Đối với vấn đề chính trị, việc đảng cầm quyền sử dụng những người trong hệ thống của Đảng vì vấn đề tin cậy là chuyện dễ hiểu. Nhưng về phạm vi kỹ thuật (kinh tế, khoa học,…) thì đâu chỉ có người trong Đảng mà người ngoài Đảng cũng có năng lực, chất xám. Ta có rất nhiều Việt kiều rất giỏi về kinh tế, khoa học. Việc sử dụng những người ấy - dù ta có xác định trong chính sách nhưng vẫn chưa thật sự cởi mở. Những điều này làm không ít người băn khoăn việc trở về.

Gần 40 năm qua, chúng ta nói nhiều về đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện nhiều hành động để thực hiện. Tôi rất ủng hộ nhưng tôi cứ nghĩ hoài: Tại sao ta không đoàn kết dân tộc theo tư tưởng và cách làm của cụ Hồ? Để “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, Cụ kêu gọi, tạo điều kiện cho tất cả những người có cùng mong muốn cho nước Việt Nam độc lập - dân chủ - hòa bình, dù có tư tưởng khác nhau, tín ngưỡng khác nhau cùng chung tham gia.

Tôi có nghiên cứu triết học Mác-Lênin. Các bậc thầy ấy chỉ ra rằng bất kỳ cái gì cũng có hai mặt mâu thuẫn nhau. Chuyện những người có ý tưởng, suy nghĩ khác nhau, cùng va đập nhau trong một xã hội là hết sức bình thường, quan trọng là anh điều hành làm sao để sản sinh ra các giá trị phát triển. Cụ Hồ cũng nói muốn vững mạnh thì “phải phê bình và tự phê bình”. Thực tế hiện nay, có trường hợp anh tự phê bình anh thì được, còn người khác phê bình thì anh cho là “này nọ”. Không nên!

Một điều nữa, cách thức tìm kiếm chân lý phụ thuộc vào ý chí đám đông là không ổn. Trong khoa học, một người nói đúng mà trăm người nói sai thì cũng phải bỏ trăm ý kiến sai đó đi. Ta hay cứ dựa vào số đông để tìm ra chân lý, ít chịu nghe ý kiến trái chiều. Điều này thể hiện khá rõ trong quá trình làm chính sách.

“Có trước có sau” và “gạn đục khơi trong”

. Trong lịch sử Việt Nam, không ít lần đất nước ta bị chia cắt; cũng không ít lần phải đứng lên để chống ngoại xâm nhưng dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn. Theo ông, điều gì đã làm nên sự vững vàng đó? Chúng ta cần suy ngẫm về những bài học đó như thế nào khi xây dựng khối đại đoàn kết?

+ Điều đầu tiên làm nên sự vững vàng là ý thức của mọi người về “dân ta, nước ta”. Từ xưa trong dân ta có câu “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chính lòng “thương nhau cùng” ấy mà cả dân tộc tồn tại qua biết bao sóng gió phương Bắc. Khi Pháp vào đánh chiếm nước ta, con người dần đề cao cá nhân với tư cách cá nhân hơn là cá nhân của cộng đồng. Nhưng với tinh thần dân tộc đã có từ ngàn xưa, dân tộc ta quyết liệt đứng lên chống Pháp. Sau này con người dần dịch chuyển thành con người mang tính cá nhân.

Nói một cách sâu và xa như vậy để thấy từ việc ôn cố tri tân, ta làm chưa được đến nơi đến chốn. Vì vậy, vì lý do chủ nghĩa cá nhân thâm nhập sâu quá nên việc xây dựng luật pháp còn mang nhiều điều bất cập, thiếu tính cộng đồng vốn nằm trong truyền thống dân tộc.

Chẳng hạn, chính sách đất đai gây ra bao tổn thương cho người dân. Không biết khi làm chính sách ấy, có nhà lập pháp nào đọc một cách kỹ càng lịch sử quản lý điền thổ của ông cha mình chưa? Những kinh nghiệm ấy đáng giá để tìm hiểu khi làm chính sách lắm chứ. Bộ địa bạ của tôi thực hiện rất công phu về vấn đề này, chắc ít có cơ hội đến được với những người làm chính sách.

Nếu muốn thực sự đoàn kết dân tộc, ta nên kiểm điểm lại tất cả chính sách của mình, làm sao để sự đoàn kết ấy dựa trên những căn bản của truyền thống dân tộc, như “có trước có sau”, “gạn đục khơi trong”. Đừng kêu gọi những cái xa xôi, hãy gắn chặt vào chính truyền thống của dân tộc mình mà làm thì đoàn kết dân tộc tự sẽ đến.

Vì cái chung

. Thưa ông, nhìn lại tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc, liệu có một vách ngăn vô hình nào đó, dù rất mỏng nhưng không dễ vượt qua?

+ Đúng là có những cơ hội đã bị bỏ qua. Dường như không phải chúng ta nặng chuyện thống nhất mà nặng chuyện duy nhất. Nhiều người trong nội bộ chính quyền lẫn bên ngoài khi “vì lợi ích của dân tộc và đặt lợi ích của dân tộc” lên trên mà có chính kiến hơi khác một chút là nhận lấy sự ứng xử không tương thích với mong muốn của họ - cùng làm, cùng hàn gắn vết thương chiến tranh để có một đất nước thật sự thống nhất, một dân tộc thực sự kết đoàn. Chúng ta nghĩ đó chỉ là một số ít nhưng đừng quên rằng những cái tưởng chừng là ít đó sẽ gây ra sự bất ổn trong tâm hồn của người dân. Điều này phải hết sức lưu ý! Đừng vui khi nói gì cũng được gật đầu, được đồng tình. Lãnh đạo đừng ngại những người mong muốn cho đất nước hòa bình, mong muốn cho đất nước giàu mạnh, mong muốn cho đất nước phát triển!

Hãy học cách ứng xử của Bác Hồ khi không bằng lòng với những người nói trái ý mình. Thái độ của Cụ khiến người ta phục. Đoàn kết phải bắt đầu từ thái độ ứng xử để kéo người ta về phía mình như thế.

. Chúng ta cần làm gì để bước qua các tồn tại?

+ Tình hình hiện nay là ta đã phát triển khá so với quá khứ nhưng nếu không có những đột phá về mặt nội lực và hội nhập thì phát triển sẽ dần chậm lại và nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực là khó tránh khỏi.

Tôi nghĩ cần nghiên cứu và áp dụng tư tưởng cốt lõi của cụ Hồ về đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó có thể bắt đầu từ việc trở lại tinh thần các chính sách cụ thể của Hồ Chí Minh những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bản Hiến pháp 1946 trong viêc sửa đổi Hiến pháp 1992 tới đây. Rất nhiều chính sách khi ấy khuyến khích con người phát triển và đoàn kết toàn dân tộc. Thứ nữa, cán bộ, đảng viên nếu sự thật là đầy tớ của dân thì hãy phục vụ dân tận tâm, tận tình. Đồng thời, những người có quyền lực (tôi biết là có nhiều người tốt) phải có đủ dũng khí từ bỏ quyền tư lợi của mình mà vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tất cả điều trên sẽ giúp dân tộc phát triển mạnh hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Anh chị em công nhân lao động, các bạn trí thức, các nhà tư sản, tất cả đồng bào thuộc mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo hãy nâng cao tinh thần đại đoàn kết, chân thành thực hiện hòa hợp dân tộc… Tất cả những người Việt Nam yêu nước thương nòi hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng lại quê hương đất nước, mau chóng băng bó lại vết thương do chiến tranh gây ra.

(Trích diễn văn của Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định, tại lễ mít-tinh mừng chiến thắng ngày 7-5-1975)

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm