Tân Cương (Trung Quốc): Bạo loạn do tin đồn nhảm trên mạng

Vụ bạo loạn ở TP Ô Lỗ Mộc Tề (khu tự trị Tân Cương) bắt đầu từ tối 5-7 bắt nguồn từ vụ ẩu đả tập thể ngày 26-6 tại nhà máy sản xuất đồ chơi Húc Nhật ở Thiều Quan (tỉnh Quảng Đông).

15 người bị bắt giữ

Nguyên nhân ẩu đả do một tin đồn nhảm trên mạng Internet nói “sáu nam giới người Tân Cương cưỡng hiếp hai thiếu nữ dân tộc Hán”.

Hàng trăm người tham gia ẩu đả gồm công nhân dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương) và công nhân dân tộc Hán. Hai công nhân người Tân Cương thiệt mạng, trong 120 người bị thương có 81 người Tân Cương.

Tính đến nay đã có 13 nghi phạm tham gia vụ ẩu đả (trong đó có ba người thường trú tại Tân Cương) và hai nghi phạm tung tin đồn nhảm trên mạng bị bắt giữ.

Ngày 7-7, Công an tỉnh Quảng Đông đã công bố kết quả điều tra cho thấy vụ ẩu đả tập thể ngày 26-6 mang tính trật tự trị an, không có màu sắc chính trị. Tuy nhiên, các thế lực phản động ngoài Trung Quốc đã mượn cớ để kích động các phần tử ly khai trong nước gây bạo loạn ngày 5-7 vừa qua.

Hai nguyên nhân trong nước

Tại Tân Cương có 8,3 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo nói tiếng Thổ chiếm 45% dân số, còn người Hán chiếm 41%. Tân Hoa xã nhận định có hai nguyên nhân từ trong nước dẫn đến bất ổn.

Thứ nhất, mối quan hệ giữa dân tộc Duy Ngô Nhĩ và dân tộc Hán tại Tân Cương đã phát sinh mâu thuẫn từ nhiều năm qua, cộng thêm có các thế lực ly khai bên ngoài Trung Quốc thao túng nên dù có hay không vụ ẩu đả ngày 26-6 thì bạo loạn như ngày 5-7 cũng sẽ xảy ra.

Cùng quan điểm, giáo sư Viên Vĩ Thời (khoa Triết học Đại học Trung Sơn, Trung Quốc) cho rằng vụ ẩu đả không phải là nguyên nhân đơn thuần gây ra bạo loạn tại TP Ô Lỗ Mộc Tề mà là kết hợp của nhiều nguyên nhân như lợi ích chính trị, mâu thuẫn lịch sử và cộng thêm sự kích động của các thế lực phản động.

Thứ hai, chính quyền địa phương thực thi chưa hiệu quả chính sách khuyến khích các khu vực phát triển tại vùng duyên hải phía Đông. Giáo sư Tiêu Bân (Phó Viện trưởng Học viện Hành chính kiêm giảng viên Đại học Trung Sơn) nhận xét:

+ Giữa khu vực dân tộc thiểu số và khu vực dân tộc Hán có sự phát triển chênh lệch. Chính quyền địa phương lại thiếu quan tâm đến các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ làm việc tại khu vực của người Hán.

Điều kiện nhà máy lạc hậu, cộng thêm công nhân dân tộc Duy Ngô Nhĩ khó hòa nhập càng khiến mâu thuẫn với người Hán thêm sâu sắc. Các nhà máy thường coi công nhân dân tộc Duy Ngô Nhĩ là lao động ngắn hạn nên không chịu đầu tư bồi dưỡng kỹ thuật và ngôn ngữ phổ thông, trong khi đó là điều kiện cần thiết để họ hòa nhập.

Tổ chức nào giật dây?

Sau khi xảy ra bạo loạn ngày 5-7, ông Lý Vĩ (chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chống khủng bố thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc) phát biểu trên Tân Hoa xã rằng đây là một sự kiện bạo lực mang màu sắc chủ nghĩa khủng bố do tổ chức Đại hội đại biểu thanh niên Duy Ngô Nhĩ thế giới chỉ huy, kích động.

Theo ông, đây không phải là hành động tự phát bởi bạo loạn xảy ra đồng thời tại nhiều địa điểm. Ông so sánh:

+ Dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khu tự trị Tân Cương, Nhiệt Bỉ Á-Khả Đức Nhĩ (người cầm đầu Đại hội đại biểu thanh niên Duy Ngô Nhĩ thế giới) từng chuẩn bị một số hoạt động phá hoại. Sau sự kiện bạo lực ngày 14-3-2008 xảy ra tại TP Lhasa (khu tự trị Tây Tạng), Nhiệt Bỉ Á đã từng công khai cho rằng tổ chức Hồi giáo Đông Turkistan nên làm một sự kiện giống như vậy tại Tân Cương. Vụ bạo lực ngày 5-7 có nhiều điểm tương đồng với vụ bạo lực ngày 14-3-2008.

Theo điều tra của Phòng Công an Tân Cương, trước khi bạo loạn xảy ra, một số lượng lớn tin nhắn đã được gửi đi với nội dung kêu gọi tham gia diễu hành tụ tập tại quảng trường TP Ô Lỗ Mộc Tề.

Tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức ngày 7-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết Trung Quốc đã công bố sự thật về việc tổ chức Đại hội đại biểu thanh niên Duy Ngô Nhĩ thế giới tuyên truyền, kích động và chỉ đạo trên các phương tiện thông tin trước khi diễn ra bạo loạn. Ông nhận xét đây là một vụ bạo lực có tổ chức, có kế hoạch và có chuẩn bị.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã, Tin tức Trung Quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm