5 trẻ tử vong sau tiêm chủng

Ngày 19-12 từ xã Châu Quang, chúng tôi tìm về xóm Quang Thịnh nơi đôi vợ chồng trẻ (người dân tộc Thanh) Vi Văn Phương (23 tuổi) - Hà Thị Tuyết (21 tuổi) có đứa con thơ là Vi Trung Kiên gần 3 tháng tuổi vừa tử vong ngày 15-12.

Những địa chỉ buồn

Chị Tuyết, với dáng vẻ mệt mỏi cho biết: “8g30 ngày 7-12, tôi bế con ra trạm y tế xã tiêm phòng viêm gan B thì 18g cùng ngày con bị sốt. Tôi cho bú thì bé nôn. Sáng 8-12, da con tôi xanh bợt, toàn thân toát mồ hôi và bú từng nào thì nôn từng đó. Các ngày tiếp theo bé đều trong tình trạng như vậy. Đến 9g ngày 15-12, ngực bé thâm tím.

Năm phút sau, hai bên thái dương con có quầng thâm đỏ. Lúc đó vợ chồng tôi mới hoảng hốt gọi điện báo chị Nguyễn Thị Hồng - trưởng trạm y tế xã - nhưng gọi liên tục vẫn không thấy chị Hồng trả lời. Lúc 10g con tôi đã tắt thở” - nói đến đó, chị Tuyết không cầm được nước mắt.

Chị Tuyết cho biết đến 12g, các ông bí thư chi bộ xóm, xóm trưởng, xóm phó, công an xóm, y tá Lương Thị Thu (người trực tiếp tiêm), bác sĩ Sầm Văn Lí - trạm phó trạm y tế, bác sĩ Mạng - trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện Đa khoa huyện, bác sĩ Hải - trưởng Phòng y tế huyện - đến hỏi thăm và làm hai biên bản.

Xóm trưởng Hồ Diên Vinh cho biết: “Biên bản một do công an xóm lập ghi rõ ngày giờ cháu Kiên mất và thời gian gia đình chị Tuyết báo y tá. Biên bản hai có thêm phó chủ tịch, chủ tịch hội phụ nữ xã, trưởng ban chăm sóc bà mẹ, trẻ em và bà Hồng - trưởng trạm y tế. Biên bản này do tôi lập.

Biên bản có nhiều nội dung, trong đó ghi rõ ý kiến của hai bác sĩ Mạng và Hải về nguyên nhân cháu Kiên chết là “chết không phải do tiêm chủng mà do xuất huyết não”. Làm biên bản xong mọi người hỏi: “Gia đình có ý kiến gì không? Nếu không thắc mắc gì thì cho khâm liệm. Nếu muốn khám nghiệm tử thi thì chờ pháp y tỉnh lên”. Do gia đình không có ý kiến gì nên ông nội của cháu Kiên ký biên bản”.

Tại xóm Quang Hương, vợ chồng anh Lô Văn Hòa (28 tuổi) - chị Lương Thị Ngọc (34 tuổi), người dân tộc Thái - là cha mẹ của bé Lô Hoàng Thịnh mới hơn 2 tháng tuổi. Bé Thịnh cũng được tiêm chủng cùng ngày với bé Kiên nhưng chỉ sau chưa đầy bốn ngày thì mất. Chị Ngọc ngậm ngùi: “Ngày 7-12 tiêm thì 4g ngày 10-12 con tôi khóc thét lên. Tôi bồng cho con bú nhưng bé bú yếu lắm, sau đó nôn ra. Tôi nhìn môi con khô tím, mắt nhắm lại dần dần rồi tắt thở”.

Xóm trưởng Lê Đại Bằng cho biết: “Tôi cùng bà Hồng - trưởng trạm y tế, bác sĩ Phú - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện, đến làm biên bản. Nội dung biên bản kết luận: “Không hiểu lý do vì sao cháu Thịnh chết. Chết vì tiêm văcxin hay do bệnh khác chưa rõ”. Còn ý kiến của bà Hồng cho rằng “cũng có thể chết do mắc bệnh gì đột ngột”.

Đến xóm Bản Cù, dù bé Quan Hào Nam đã mất hơn 10 ngày khi chưa được 3 tháng tuổi, nhưng chị Lương Thị Thương, mẹ của bé, vẫn nằm rũ trên giường.

Chồng chị là anh Quan Vi Kiệm, người dân tộc Thái, cho biết: “Đây là con đầu lòng của vợ chồng tôi. Vợ tôi đưa con ra trạm xá tiêm sáng 7-12. Sang ngày 8-12, thấy con khóc, miệng tím ngắt, mắt trợn trừng nên tôi chở vợ con đi bệnh viện huyện. Vào đến bệnh viện, mấy chị y tá khám bảo “bệnh nhân chết rồi, đưa về nhà thôi”. Đại diện xóm, xã cũng đến lập biên bản nhưng họ không đọc cho tôi nghe. Tôi cũng không được xem họ viết gì”.

Tại nhà xóm trưởng Phan Hồ Nam, ông Nam thừa nhận: “Biên bản chỉ ghi lại triệu chứng trước khi cháu mất, không có kết luận gì”.

Y tế dự phòng khẳng định đúng quy trình

Khi chúng tôi chưa kịp nêu câu hỏi thì bà Nguyễn Thị Hồng, trưởng trạm y tế xã Châu Quang, nói: “Tôi biết các anh hỏi gì rồi. Tất cả tôi đã báo cáo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Sở Y tế Nghệ An rồi. Giờ tôi đi họp gấp”. Nói xong, bà Hồng gọi nữ y tá chuyên trách tiêm chủng Lương Thị Thu (người đã trực tiếp tiêm cho hai bé Kiên và Thịnh) sang tiếp.

Chị Thu cho biết: “Lúc 7g ngày 7-12, tôi nhận 65 liều văcxin từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện về đến trạm là tiêm ngay cho các cháu. Văcxin tôi nhận có ký hiệu DPI-VGB-Hib. Tôi tiêm một lọ/một cháu, đúng quy trình, kỹ thuật”.

Tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện, dược sĩ Vi Xuân Tứ là người giao văcxin cho chị Thu giở tập hồ sơ xuất loại văcxin này cho các xã trong huyện, nói: “Chúng tôi giao cho các trạm y tế loại văcxin 5 trong 1, có ký hiệu BH-HG-UV-Hib-VGB. Đây là loại văcxin thuộc lô 1453037, hạn sử dụng 26-11-2014”.

Ông Vi Văn Ái, trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh của trung tâm, khẳng định: “Quy trình vận chuyển, bảo quản của chúng tôi đảm bảo 100%. Tôi dám chắc quy trình tiêm của các chuyên trách trạm y tế đúng kỹ thuật”.

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân gây tử vong của ba trẻ nêu trên, ông Ái nói: “Nguyên nhân thì chưa thể biết được. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Sở Y tế Nghệ An đã đưa lô văcxin này ra Hà Nội rồi”.

Ông Ái cho biết thêm: “Ngoài ba trẻ tử vong nêu trên, tại xã Châu Quang có thêm một trẻ khác tử vong. Đó là Vi Trung Thịnh, 3 tháng tuổi, con vợ chồng Vi Trung Kiên - Hà Thị Khiết trú tại xóm Quang Thịnh.

Trường hợp này tiêm ngày 7-12 thì ngày 17-12 tử vong. Trước khi tử vong, trẻ cũng bị sốt và nôn. Bác sĩ Vũ Duy Mạng kết luận trẻ tử vong do viêm màng não. Còn tại xóm Bãi Kè, xã Đồng Hợp có trẻ Hồ Thị Linh Đan, ba tháng tuổi, tiêm ngày 10-12 thì ngày 12 cũng tử vong”.

Không loại trừ thủ phạm là văcxin

Đó là nhận định của bác sĩ Bùi Đình Long - giám đốc Sở Y tế Nghệ An - trước “sự kiện” hi hữu xảy ra tại huyện Quỳ Hợp.

Khi chúng tôi nêu băn khoăn về năm trường hợp tử vong của năm trẻ đều giống nhau ở chỗ cùng tiêm một ngày, đều bị sốt, nôn và lần lượt tử vong sau đó, bác sĩ Long nói: “Đúng là những vụ tử vong bất thường. Chúng tôi đang phân tích mọi tình huống nhưng không loại trừ nguyên nhân từ văcxin. Hiện chúng tôi đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lấy mẫu lô văcxin trong kho của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quỳ Hợp và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kiểm tra”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là văcxin Quinvaxem của Hàn Quốc, nhập vào VN từ tháng 7-2010 với 500.000 liều. Trong đó, Nghệ An nhập 30.000 liều. Đã đưa về 32 huyện, thành thị 29.750 liều (đa số tiêm hết). Hiện còn 250 liều tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Phải chờ hội đồng chuyên môn quốc gia

Ngày 19-12, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển cho hay hội đồng chuyên môn cấp tỉnh của Sở Y tế Nghệ An đã họp về vụ phản ứng nặng sau tiêm chủng làm trẻ tử vong tại Nghệ An, nhưng kết luận vụ việc còn phải đợi hội đồng chuyên môn quốc gia. Theo ông Hiển, hội đồng này sẽ họp sớm ngay trong tuần này.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay có 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó có chín trường hợp tử vong, chỉ có một trường hợp được xác định liên quan đến tiêm chủng. Tính từ năm 2007 đến nay có 55 tai biến sau tiêm được báo cáo và 31 trẻ tử vong, 14 trường hợp có liên quan đến tiêm chủng.

Ngoài các trường hợp gặp phản ứng nặng tại Nghệ An sau tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem, trước đó trong tháng 11 cũng đã có hai trường hợp tử vong sau tiêm văcxin này và đều được kết luận là do trẻ có bệnh tim và hội chứng Down, không liên quan đến chất lượng văcxin và quy trình tiêm chủng (?).

LAN ANH

Theo VŨ TOÀN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

(PLO)- Chất đạm có vai trò quan trọng từ việc hỗ trợ tiêu hóa đến điều chỉnh lượng đường trong máu trong cơ thể, đó là những lý do tại sao việc ăn protein lại quan trọng.

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

(PLO)- Từ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, nồng độ Cortisol cao hay sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đến thiếu ngủ... là một trong năm lý do khiến bạn thèm đường.