Ăn ốc sên: Hiểm họa chết người

Gần đây, số bệnh nhân do ăn ốc sên ngày càng nhiều. Có người bị liệt, mù, mất tri giác, thậm chí tử vong.

Giun angiostrongylus cantonensis sống ký sinh ở các loài ốc sống ở dưới nước hoặc trên cạn và lây nhiễm sang người nếu ăn thịt ốc sống hoặc chưa chín kỹ. Khi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, ấu trùng sẽ chui xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não gây viêm não hoặc màng não khiến não bị tổn thương nặng.

Dấu hiệu nhận biết mình bị viêm màng não và những biến chứng thường gặp là người bệnh nhức đầu dữ dội, sốt, nôn, kèm theo cứng gáy hoặc liệt chi. Nên đưa người bệnh cấp cứu ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa ký sinh trùng. Vì nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tỉ lệ chết rất cao. Khi bệnh nhân có các triệu chứng như hôn mê, co giật tức là bệnh đã chuyển sang nặng và khả năng phục hồi rất khó tiên lượng. Tùy vị trí phần não bị xâm hại mà người bệnh có thể bị các biến chứng như liệt, mù, mất tri giác và sống đời thực vật.

Ăn ốc sên: Hiểm họa chết người ảnh 1

Bệnh nhân hôn mê sâu nhiều tháng trên giường bệnh chỉ vì một con ốc sên.

Trường hợp nào may lắm thì hai tuần có thể xuất viện. Tuy nhiên, hầu hết phải điều trị trong vòng một, hai tháng. Nhiều trường hợp chức năng hô hấp bị suy giảm nghiêm trọng, phải điều trị suốt bốn, năm tháng liên tục mới tự thở được. Như trường hợp của Đ. thì không biết điều trị đến khi nào mới tự thở được.

Hiện chưa có thuốc đặc trị cho loại bệnh này. Chúng tôi chỉ dùng thuốc ức chế ký sinh trùng và hỗ trợ chức năng hô hấp cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân phải điều trị lâu dài mà không có bảo hiểm y tế, chi phí thật không nhỏ chút nào. Riêng chi phí thở máy đã gần 200.000 đồng/ngày, cộng với tiền thuốc và viện phí, bệnh nhân phải chi trả 400-500.000 đồng/ngày.

Vì vậy, khi thấy có biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, sốt…, nhất là khi đã có lần ăn thủy sản sống, rau sống, nhà có nuôi chó, mèo hoặc có tiếp xúc với đất ẩm thì nên đi khám tại chuyên khoa ký sinh trùng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Về biện pháp phòng tránh, khi ăn các loài ốcsên, ốc bươu phải chế biến chín, sạch thì mới diệt được hết các mầm bệnh ký sinh trùng. Tuyệt đối không ăn thủy sản sống, không nên ăn rau sống và uống nước lã không sạch. Ngoài ra, phải nhớ rửa tay trước khi ăn; không cho trẻ em nghịch đất cát và chơi với chó, mèo; khi tiếp xúc với đất ẩm hoặc lội nước phải mang găng tay hoặc ủng cao su.

Namnhiễm bệnh gấp đôi nữ. Một nghiên cứu mới nhất của nhóm các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trên 99 bệnh nhân ngẫu nhiên mắc chứng viêm màng não do ký sinh trùng trong 12 năm qua (1996-2008) cho thấy số bệnh nhân nam mắc bệnh cao hơn gấp đôi so với nữ. Triệu chứng hay gặp nhất là nhức đầu, sốt, cứng cổ, nôn ói, phù nề, liệt thần kinh sọ, bí tiểu, chứng nhìn đôi, liệt nhẹ hai chi dưới.

Ăn ốc sên: Hiểm họa chết người ảnh 2

Ký sinh trùng phân bố nhiều ở Đông Nam Á. Theo một nghiên cứu tổng thể của John H. Cross, thuộc khoa Khoa học sức khỏe, Đại học y khoa Hebert, Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ tổng kết loài ký sinh trùng angiostrongylus cantonensis phân bố nhiều ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản... Tính đến năm 2000, có hơn 3.500 trường hợp viêm màng não tăng bạch cầu ái toan.

Angiostrongylus cantonensis vốn là một loài giun ký sinh ở phổi chuột, nó được phát hiện trên chuột vào năm 1935. Trường hợp bệnh viêm màng não do A. cantonensis ở người được phát hiện đầu tiên là một bé trai tại Ðài Loan vào năm 1945, có sáu con giun trong dịch não tủy của bệnh nhi này.

. Chỉ có ốc sên là có ký sinh trùng giun lươn?

+ Sai. Tất cả loài ốc sống trên cạn và dưới nước đều có thể nhiễm ấu trùng giun angiostrongylus cantonensis vì ốc là vật chủ lý tưởng cho ký sinh trùng và đều có thể lây nhiễm sang người.

. Vậy không nên ăn tất cả loài ốc?

+ Sai. Chỉ không nên ăn ốc sống hoặc không xào nấu kỹ. Nếu rửa sạch, làm kỹ, nấu chín thì ốc sẽ là một món ăn nhiều dinh dưỡng.

Người Việt Nam thường ngâm ốc qua đêm trong nước gạo để cho ốc nhả bớt nhớt độc, đây cũng là cách hay.

Một điều đáng lưu ý nữa là món “ốc lùi” (ốc vùi vào bếp tro) cũng không an toàn vì ốc chưa chín đúng mức.

. Vậy chỉ cần không ăn ốc sống là không lo bị viêm màng não?

+ Chưa đúng. Viêm màng não là hiện tượng các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) bị viêm nhiễm do nhiều nguồn tác nhân như vi trùng, virus, ký sinh trùng hoặc lao, nấm… gây ra. Do đó, nếu không ăn ốc sống, bạn chỉ có thể đề phòng được viêm màng não do ấu trùng giun angiostrongylus cantonensis gây ra chứ không phải miễn nhiễm với tất cả loài ký sinh trùng cũng như các loại viêm màng não khác.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu,

BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm