Bé hai đầu: Cần lập hội đồng chuyên môn

Đến hôm qua (15-10), tình hình sức khỏe bé gái hai đầu vẫn ổn định. Về phương án tách hay không tách hai bé song sinh dính nhau, Thạc sĩ-bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho rằng đây là ca phức tạp nhất từ trước đến nay nên phải chờ kết quả chụp CT Scan vào tuần tới mới có thể biết được. “Khi có kết quả CT, nếu vấn đề gì BV không làm được sẽ mời chuyên gia các bệnh viện khác nhưng sẽ không mời chuyên gia nước ngoài” - bác sĩ Hiếu nói.

Cần ý kiến chuyên khoa đa ngành

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về trường hợp hiếm gặp trong y học này, GS-VS Dương Quang Trung, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, người từng tham gia ca mổ tách thành công cặp song sinh Việt-Đức vào năm 1988, cho biết: “Trường hợp song sinh dính liền không hoàn chỉnh của bé gái này phức tạp hơn nhiều. Cặp song sinh Việt-Đức khi đó chỉ dính phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt, còn trường hợp bé gái này lại có các cơ quan nội tạng bên trong khá phức tạp nên việc mổ tách ra sẽ rất khó khăn. Nếu buộc phải mổ để cứu một bé thì cần khảo sát thật kỹ và thành lập hội đồng chuyên môn gồm nhiều bác sĩ các chuyên khoa khác nhau để lấy ý kiến. Giống như việc mổ cho cặp song sinh Việt-Đức khi đó, phải huy động hơn 70 giáo sư, bác sĩ đầu ngành của các khoa như gây mê, hồi sức, tim mạch, thận, cơ xương khớp… và sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản thì ca mổ mới thành công tốt đẹp”.

GS-VS Dương Quang Trung cũng cho rằng trên thế giới hiện nay vẫn có nhiều ca song sinh có hội chứng hai đầu không mổ tách nhưng vẫn sống và sinh hoạt bình thường. Vì vậy, nếu như cô bé hai đầu này sức khỏe tốt, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thì cũng nên để bé phát triển tự nhiên.

Bé hai đầu: Cần lập hội đồng chuyên môn ảnh 1

Bé gái hai đầu đang được chăm sóc tại BV. (Ảnh do BV cung cấp)

Kết quả siêu âm ban đầu chưa đầy đủ?

Theo lời người nhà của bé gái thì khi mang thai, mẹ cháu bé có đi siêu âm và phát hiện có hai tim thai nên tưởng rằng sinh đôi. Nhưng khi sinh ra thì không đúng như kết quả siêu âm mà là song sinh dính liền không hoàn chỉnh. Theo đánh giá của các bác sĩ, nếu máy siêu âm không tốt hoặc chuyên môn của bác sĩ yếu thì khi siêu âm sẽ không thể phát hiện được các trường hợp song sinh dính liền.

Thạc sĩ-bác sĩ Ngô Thị Yên, BV Từ Dũ (TP.HCM), nhận định có khả năng bác sĩ ở cơ sở khi siêu âm thai cho người mẹ đã không xem xét và đánh giá hết hình dạng của thai nhi. Thông thường, nếu siêu âm kỹ, các bác sĩ sẽ thấy được toàn bộ hình hài thai nhi và vẽ ra được hình hài em bé sau này sẽ như thế nào. Điều này rất quan trọng vì sẽ tầm soát được các dị tật bẩm sinh khi em bé còn nằm trong bụng mẹ để tìm phương pháp xử trí. Giai đoạn siêu âm thai tốt nhất và dễ phát hiện các dị tật ở thai là từ khoảng 18 đến 24 tuần. Vì lúc này, thai nhi đã hoàn thiện về mặt hình thể.

“Trường hợp của cháu bé hai đầu, khi bác sĩ siêu âm chỉ thấy có hai tim thai mà không siêu âm tổng quát là một thiếu sót. Mặt khác, khi thấy thai có biểu hiện bất thường (hai tim thai) thì cần phải làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra đánh giá đầy đủ. Siêu âm tiền sản là một chuyên ngành khó, đòi hỏi người bác sĩ phải có chuyên môn sâu mới đánh giá một cách khách quan được. Với điều kiện cơ sở vật chất cũng như chuyên môn của các bác sĩ tuyến cơ sở thì những trường hợp này cũng không tránh khỏi được” - bác sĩ Yên chia sẻ.

Gia đình sản phụ và bé hai đầu chỉ còn 400.000 đồng

Tối 15-10, tại phòng hậu phẫu khoa Phụ sản BV Đa khoa Sóc Trăng, chị Vân nằm buồn thiu, nước mắt ngắn dài vì hay tin con gái mới sinh đã chuyển lên TP.HCM tìm hướng xử trí. Cậu em trai trấn an: “Không sao đâu chị, hai bé bụ bẫm lắm!...”. Chị Vân cho biết chị đã biết chuyện từ lúc trước khi bước vào ca mổ. Sự chịu đựng của chị làm bác sĩ tưởng rằng sản phụ không hay chuyện gì đã xảy ra. Chị nói: “Hồi siêu âm thai em nghe bác sĩ nói sinh đôi vì thấy hai đầu, hai tim. Đứa con trai lớn của em khỏe mạnh lắm, không hề bị dị tật gì nhưng không hiểu sao đứa này lại bị…”.

Bé hai đầu: Cần lập hội đồng chuyên môn ảnh 2

Ông Lâm Phun và con trai đầu của chị Vân.

Ba ngày qua, ông Lâm Phun (cha chị Vân) chạy vạy khắp nơi để vay tiền cho con gái nằm viện và chuyển cháu ngoại song sinh không hoàn chỉnh đến BV Nhi đồng 1. Nhà chỉ còn 7 kg gạo nhưng trong túi ông Phun không còn đồng nào. Em trai sản phụ mới từ TP.HCM về đã mượn bạn 400.000 đồng để sáng 16-10 ra Sóc Trăng mua sữa, thức ăn bồi bổ cho người chị mới sinh còn quá yếu.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hận, công tác tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Sóc Trăng, người trực tiếp siêu âm, cho biết: “Qua kiểm tra hồ sơ thì sản phụ Lâm Thị Mỹ Vân đã siêu âm tại đây lúc thai khoảng bốn tháng. Lúc ấy, trung tâm phát hiện có hai đầu, hai tim thai, hai cột sống. Do không phát hiện dị dạng nên chúng tôi cứ ngỡ đây là thai song sinh bình thường”.

HÀM YÊN

Những ca song sinh dính nhau điển hình ở Việt Nam

- Cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức, sinh ngày 25-2-1981 tại Sa Thầy, Kon Tum. Lúc chào đời, Việt - Đức dính liền nhau phần bụng, có hai chân và một chân cụt chừng 20 cm, có chung một hậu môn và một bộ phận sinh dục. Ngày 4-10-1988, tại BV Từ Dũ, ca mổ tách đôi song sinh Việt - Đức đã thành công. Năm 2007, Việt đã mất sau 19 năm tách ra khỏi người em.

- Ngày 2-11-2005, BV Nhi đồng 2 mổ tách thành công hai bé 18 tháng tuổi dính liền lồng ngực, ổ màng tim, gan, ổ bụng và thành bụng.

- Ngày 17-12-2008, BV Nhi Trung ương mổ tách rời hai bé trai Cu - Cò (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hai bé dính nhau từ ngực xuống bụng dài khoảng 6,5 cm.

- Ngày 21-9-2009, BV Nhi trung ương tách hai bé gái song sinh dính nhau phần ngực, nằm ngược đầu nhau, chung nhau phần xương ức, khoang màng tim. Cả hai bé đều bị tim bẩm sinh.

- Ngày 15-10-2009, BV Nhi đồng 1 thực hiện phẫu thuật bóc tách khung chậu và hai chân dư cho em bé song sinh dính nhau không hoàn chỉnh. Trước đó, bé sinh ra có bốn chân, có hai phần khung chậu dính liền nhau.

- Ngày 14-1-2010, BV Nhi Đồng 1 đã thực hiện tách thành công cặp song sinh mới 16 ngày tuổi dính nhau phần bụng và phần dưới xương ức, có hai gan dính nhau, hệ mạch cửa thông nhau qua một mạch máu. Một trong hai bé có dị tật tim bẩm sinh, phức tạp bởi bé chỉ có một tâm nhĩ và một tâm thất, nghẹt động mạch phổi.

- Ngày 4-10-2011, BV Nhi đồng 2 đã phẫu thuật cắt bỏ hai cánh tay thừa cho bé Nguyễn Trọng Luyền, con của chị Lê Thị Ngọc Giàu, ngụ ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Đây trường hợp song thai chưa hoàn chỉnh dính nhau, tỉ lệ 1/50.000 ca sinh ra.

H.VI - D.TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm