VỤ TIỀN CHẤT GÂY NGHIỆN PSEUDOEPHEDRINE HCL

Bộ Công an: Cục Quản lý dược không sai

Ở phía người bị tố cáo, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an (C47) và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã làm việc với Cục Quản lý dược - Bộ Y tế và có kết luận về cục này.

Tố cáo thiếu cơ sở

Theo đó, C47 kết luận Cục Quản lý dược làm đúng pháp luật trong việc cho nhập, đăng ký sản xuất thuốc có tiền chất PSE. Còn Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì cho rằng tố cáo những “sai phạm nghiêm trọng” của các công ty dược đối với ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, là thiếu cơ sở.

Cụ thể, ngày 7-10, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Phạm Tuấn Anh đã có công văn gửi bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảy doanh nghiệp dược (ban đầu là tám, sau đó một công ty xin rút tên) tố cáo ông Cường có biểu hiện làm sai, nhũng nhiễu doanh nghiệp để vụ lợi. Theo đó, Văn phòng ban chỉ đạo kết luận: Bước đầu cho thấy các nội dung mà bảy doanh nghiệp phản ánh trong đơn chưa có đủ cơ sở chứng minh, xác định ông Cường cũng như Cục Quản lý dược có hành vi tham nhũng.

Bộ Công an: Cục Quản lý dược không sai ảnh 1

Bộ Công an: Cục Quản lý dược không sai ảnh 2

Đơn tố cáo của các công ty dược. Ảnh: DT

Tiếp đến ngày 12-10, đoàn công tác của C47 và Thanh tra Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với cục trưởng Cục Quản lý dược và phòng Đăng ký, phòng Kinh doanh dược. Qua xác minh, đối chiếu bản gốc việc cấp giấy phép nhập khẩu, mua nguyên liệu PSE của 13 doanh nghiệp (có BV Pharma) từ tháng 6-2009 đến tháng 8-1011 thì số liệu trùng khớp. Đoàn công tác kết luận: Cục Quản lý dược đã thực hiện đúng pháp luật về quản lý, xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu, mua nguyên liệu tiền chất PSE. Việc cấp số đăng ký thuốc thành phẩm dưới dạng phối hợp có chứa PSE và bổ sung quy cách đóng gói của thuốc có chứa chất PSE đã được cấp số đăng ký lưu hành cũng không sai.

Cần chấn chỉnh việc quản lý dược

Từ tháng 8-2011, tám doanh nghiệp dược khu vực phía Nam (một doanh nghiệp sau đó rút tên) đã khiếu nại tập thể, gửi nhiều lần lên các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước phản ánh những “sai phạm nghiêm trọng” của ông Cường.

Trong đơn tố cáo, các doanh nghiệp cho rằng ông Cường đã ưu ái cho các công ty “sân sau” khi cấp hạn ngạch nhập khẩu, cấp phép, số đăng ký lưu hành thuốc… Ông còn ưu ái cho BV Pharma nhập khẩu sáu tấn tiền chất PSE để sản xuất thuốc cảm cúm và có dấu hiệu bán ra thị trường cho bọn buôn ma túy. Ngoài ra, khi Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý dược ngưng ngay việc cấp số đăng ký, ngưng nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất thuốc có chứa sabutramine theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì ông Cường lại cho phép thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu có chứa sabutramine được lưu hành đến hết hạn dùng…

Về vấn đề này, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng Cục Quản lý dược xét duyệt một số hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành thuốc cho doanh nghiệp còn chậm. Chưa thông tin, giải thích đầy đủ, kịp thời một số loại thuốc có chứa hoạt chất ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi hội đồng xét duyệt thuốc (Bộ Y tế) có kết luận đã gây ra sự hoài nghi trong dư luận. Văn phòng ban chỉ đạo đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm