Cảnh giác với “bác sĩ Google”!

Cảnh giác với “bác sĩ Google”! ảnh 1

25% phụ nữ Anh chẩn bệnh sai vì internet

Một khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew (Hoa Kỳ) vào năm 2010 cho thấy khi có vấn đề về sức khoẻ, ngoài việc tìm đến bác sĩ, người dân Mỹ còn lên mạng tra cứu thông tin và tìm lời khuyên từ những người có hoàn cảnh như mình. Trong số những người lớn sử dụng internet, 66% cho biết họ tìm kiếm thông tin về một bệnh đặc biệt nào đó, 56% tìm thông tin về điều trị, 19% tìm thông tin về thai kỳ hay sanh con, 14% muốn biết cách sống chung với những cơn đau nhức mạn tính.

Không chỉ dân Mỹ mà dân Anh – đặc biệt nữ giới – cũng thích tìm “bác sĩ Google” khi có chuyện. Một khảo sát trong năm nay cho thấy, mỗi khi có vấn đề sức khoẻ không giải thích được, phần lớn phụ nữ Anh nhanh chóng lên mạng tìm câu trả lời thay vì đi gặp bác sĩ. Mười triệu chứng hay vấn đề sức khoẻ mà họ quan tâm nhất là: khó ngủ, nhức đầu, trầm cảm, lo lắng, đau cứng cơ, co thắt dạ dày, đau cơ mạn tính, mệt mỏi nghiêm trọng, ngứa ngáy và nhạy cảm da. Tìm thông tin xong, họ tự… chẩn bệnh cho mình.

Thế nhưng, qua khảo sát 1.000 phụ nữ Anh thường làm điều trên, người ta thấy 25% trong số đó chẩn bệnh sai bét! Mười căn bệnh mà họ thường chẩn đoán sai sau khi tra cứu trên internet là ung thư vú, các căn bệnh ung thư khác, chứng lở miệng, cao huyết áp, hen suyễn, thấp khớp, trầm cảm, tiểu đường, rối loạn sức khoẻ tình dục và các bệnh về tuyến giáp. Không khó hiểu khi phụ nữ thích nhờ cậy “bác sĩ Google” vì 75% số người được hỏi cho rằng họ dễ giãi bày hơn so với khi chia sẻ với bạn bè hay người thân.

Tuy nhiên, sự đời nào đơn giản, nếu Google thay được bác sĩ thì ngành y đã dẹp tiệm. Do chẩn bệnh sai, nhiều phụ nữ đã sống nhiều ngày trong sợ hãi, lo lắng trước khi nói với một ai đó, thậm chí có đến 5% người được hỏi đã đau khổ nhiều năm liền vì tưởng mình bị bệnh thật sự! BS Laurence Buckman, chủ tịch uỷ ban Bác sĩ đa khoa hiệp hội Y khoa Anh quốc, cảnh báo: “Nếu tra Google, bạn sẽ được một loạt câu trả lời khác nhau, nhưng không ít trong số đó là rác rưởi. Nếu bạn thấy có gì đó trong ngực và nghĩ rằng mình đang bị đau tim thì có lẽ bạn… chẳng bị gì cả!”

Chỉ 39% trang tra cứu cho thông tin nhi khoa chính xác

Năm 2009, một nhóm nghiên cứu của khoa nhi đại học Nottingham (Anh quốc) đã thử đánh giá độ tin cậy và chính xác của thông tin y khoa trên một loạt website bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm Google. Kết quả cho thấy chỉ 39% trong số 500 website tìm kiếm cho thông tin chính xác, 11% cung cấp thông tin sai và 49% không đưa ra được câu trả lời. Trong số các website trả lời được cho độc giả, 78% có thông tin chính xác, nhưng tính chính xác cũng tuỳ theo chủ đề hỏi, thay đổi từ 51% (hỏi về bệnh bạch hầu, sởi, rubella và tự kỷ) và 100% (cho con bú khi bị viêm vú/tư thế ngủ của trẻ).

Khi tra cứu thông tin sức khoẻ trên internet, người ta thường tự chẩn đoán mình có khả năng mắc một bệnh nặng vì chủ yếu dựa vào triệu chứng đang có hơn là tỷ lệ bệnh thật sự có trong cộng đồng.

Vì sao thông tin sức khoẻ trên mạng thường không chính xác? Người ta lý giải vì chúng được cung cấp bởi những “bác sĩ” ảo hoặc đơn giản đó chỉ là kinh nghiệm cá nhân và được cóp nhặt, lan truyền từ website này sang website khác. Một khảo sát của Eric Horvitz và Ryen White thuộc bộ phận nghiên cứu Microsoft cho thấy 25% kết quả cung cấp bởi internet sau khi tra từ “nhức đầu” đã chỉ ra u não là nguyên nhân – cao đáng kể so với tỷ lệ u não thật sự, chỉ vài người bị trong 50.000 người. Horvitz nói: “Vấn đề ở đây là sự thiên lệch. Không thông tin nào cho rằng việc ngừng uống càphê dẫn đến nhức đầu mà cứ hướng đến u não vì nguyên nhân sau “hấp dẫn” hơn”.

Sự thiên lệch không chỉ đến từ “bác sĩ Google”, mà còn đến từ chính người tra cứu thông tin sức khoẻ. Trong năm nay, hai tác giả Dengfeng Yan và Jaideep Sengupta thuộc đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong đã đề xuất lý thuyết “tự dương tính” và “tự âm tính” trên cơ sở cho rằng yếu tố tâm lý, hay đúng hơn là ảnh hưởng của “tỷ lệ cơ bản” và “thông tin ca bệnh”, ảnh hưởng đến nhận thức về sức khoẻ của mỗi người. “Tỷ lệ cơ bản” là tỷ lệ bệnh trong cộng đồng, còn “thông tin ca bệnh” là triệu chứng của một bệnh cụ thể nào đó. Lý thuyết của các tác giả này là mỗi khi chẩn bệnh cho mình, người ta thường dựa nhiều vào “thông tin ca bệnh” hơn là “tỷ lệ cơ bản”; ngược lại, khi chẩn bệnh cho người khác, “tỷ lệ cơ bản” có ảnh hưởng mạnh hơn “thông tin ca bệnh”.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sự thiên lệch khi cho hàng trăm người đánh giá về thông tin các bệnh cúm, viêm gan siêu vi C, ung thư vú, HIV và loãng xương. Một số người tham dự được đề nghị đánh giá mình có bệnh hay không, một số khác lại đánh giá người khác có bệnh hay không. Sau khi phân tích kết quả, người ta thấy khoảng cách tâm lý đã quyết định mọi chuyện: người nào càng biết ít về người được đánh giá thì họ càng dựa vào “tỷ lệ cơ bản”; ngược lại, càng biết nhiều về người đánh giá, họ càng dựa vào “thông tin ca bệnh”.

Do yếu tố tâm lý tác động như thế, nên khi tra cứu thông tin sức khoẻ trên internet, người ta thường tự chẩn đoán mình có khả năng mắc một bệnh nặng vì chủ yếu dựa vào triệu chứng đang có hơn là tỷ lệ bệnh thật sự có trong cộng đồng. Nếu tôi bị “khó tiêu”, tôi cho rằng tôi có thể bị “nhồi máu cơ tim”, nhưng nếu triệu chứng đó xuất hiện ở người khác, tôi cho rằng đó chỉ là “khó tiêu”. Với sự thiên lệch như thế, rõ ràng sự tự chẩn đoán bệnh thông qua “bác sĩ Google” thật sự quá nguy hiểm. Để giải quyết, các nhà nghiên cứu khuyên người ta nên tìm đến một bác sĩ thật để khám bệnh, bởi chỉ có bác sĩ thật mới nhìn bệnh nhân với một khoảng cách thật!

Biết tin vào website nào?

Theo một nhóm nghiên cứu của đại học Stanford (Hoa Kỳ), một website cung cấp thông tin khoa học đáng tin cậy phải có bảy tiêu chí sau:

1. Đằng sau là một tổ chức khoa học uy tín (có tên tuổi, địa chỉ, thông tin cụ thể).
2. Dễ sử dụng, có dữ liệu đầy đủ.
3. Có dấu ấn chuyên môn cao (chẳng hạn thông tin có nguồn tham khảo rõ ràng, người viết đáng tin cậy).
4. Có dấu ấn của sự đáng tin (chẳng hạn website cung cấp đường dẫn đến những thông tin bên ngoài để người đọc tham khảo).
5. Website có dấu ấn của người từng sử dụng trước đó.
6. Không đặt nặng tính thương mại (trên website có quảng cáo, nhưng không lạm dụng).
7. Có tính chuyên nghiệp (chẳng hạn không viết sai chính tả).

Theo Phan Sơn (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

Tại sao ăn đủ chất đạm lại quan trọng?

(PLO)- Chất đạm có vai trò quan trọng từ việc hỗ trợ tiêu hóa đến điều chỉnh lượng đường trong máu trong cơ thể, đó là những lý do tại sao việc ăn protein lại quan trọng.

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

Đây là 5 lý do khiến bạn luôn thèm đường

(PLO)- Từ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, nồng độ Cortisol cao hay sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột đến thiếu ngủ... là một trong năm lý do khiến bạn thèm đường.