Có 95 triệu liều vaccine đã được tiêm

Sau khi phát hiện ra loại virus đại dịch vào tháng 4-2009, WHO đã khởi xướng một sáng kiến để đảm bảo sự tiếp cận vaccine tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình. WHO đã nhận được các cam kết tài trợ với tổng số 180 triệu liều vaccine. Trong số này, GlaxoSmithKline (GSK) cam kết 50 triệu liều vào tháng 5-2009. Loại vaccine được tài trợ là ArepanrixTM có tá dược được sản xuất tại Canada.

Sau khi tiêm Arepanrix tại Canada, GSK đã chủ động giữ lô Arepanrix A80CA007A sau khi theo dõi thấy một tỉ lệ lớn các ca sốc phản vệ có liên quan đến lô vaccine này. Bản báo cáo giám sát vaccine của Cơ quan Y tế công cộng Canada chỉ ra rằng đã có bảy trường hợp xác nhận sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine. Tính toán tần suất sốc phản vệ sau tiêm chủng do vaccine từ lô A80CA007A là bốn trường hợp trên 100.000 liều được phân phối.

WHO ước lượng trên toàn thế giới có 95 triệu liều đã được tiêm, trong đó 30% là vaccine có tá dược. Các phản ứng quá mẫn tức thì đã được thông báo ngay sau khi sử dụng các loại vaccine. Các trường hợp này bao gồm nổi mề đay, phù mạch và sốc phản vệ và có thể dao động từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc y tế kịp thời. Mặc dù hiện tượng này hiếm gặp, các cơ quan chính quyền cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và điều trị thích hợp đối với các phản ứng này.

Cho tới nay, các kết quả từ hàng chục ngàn người đã được tiêm chủng cho thấy vaccine đại dịch có độ an toàn tương tự vaccine cúm mùa thông thường. Chưa có ca tử vong nào liên quan đến loại vaccine này tại bất cứ quốc gia nào.

Tiêm chủng là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các cá nhân khỏi tác động của virus cúm. Tuy nhiên, khi sự lây nhiễm virus đã trở nên rộng khắp thì tiêm chủng sẽ chỉ có tác động rất nhỏ trong việc làm chậm lại sự lây lan của virus trong cộng đồng.

Lợi ích chính của việc tiêm chủng là nhắm đến “nhóm dân số có nguy cơ cao” như những người mắc các bệnh mạn tính, phụ nữ có thai, những người sống trong các cộng đồng tách biệt, vùng sâu, vùng xa và các cán bộ y tế. Tiêm chủng cho các nhóm đối tượng này sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, biến chứng và tử vong từ căn bệnh này.

Theo thông tin của WHO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm