Đẹp mà nguy hiểm

Trong một lần đi chơi ở công viên, chị Phùng Hải Th., 24 tuổi, ở Hà Nội, đã vô tình ngắt hoa trúc đào đưa vào miệng nhấm nháp. Chưa đầy 30 phút sau, chị Th. được đưa tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nôn mửa dữ dội, đau đầu, đau bụng, tụt huyết áp… Sau khi được kích thích gây nôn và rửa ruột, chị Th. đã qua cơn nguy kịch.

“Lá ngón” giữa thành phố!

Các bác sĩ cho biết không cần phải dính mủ mà chỉ vô tình hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt cũng gây ngộ độc. Hoặc ai đó không biết mà dùng cành trúc đào để xỉa răng, uống nguồn nước các bông hoa, cành lá trúc đào rụng xuống cũng có thể bị ngộ độc. Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng độc tố của loại cây này chẳng kém gì lá ngón, chỉ cần ăn một lá cây trúc đào có thể khiến trẻ em tử vong và người lớn ăn khoảng 10 - 20 lá cũng nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, chỉ với 100 g lá trúc đào khô cũng đủ giết một con ngựa trưởng thành. Thế nhưng, ở nhiều tuyến phố của Hà Nội như Kim Mã, Hoàng Diệu, Lê Duẩn, khuôn viên hồ Ba Mẫu, Công viên Thống Nhất..., loại cây này vẫn được trồng và đang vào mùa trổ hoa sặc sỡ.

Đẹp mà nguy hiểm ảnh 1

Không nên cho trẻ nhỏ chơi gần những loại cây lạ nghi ngờ chứa độc. Ảnh: NGỌC DUNG
Điều nguy hiểm là hầu hết những người đứng cạnh cây, thậm chí ngắt lá, ngửi hoa, hái hoa tặng nhau... khi được hỏi đều không biết về độc tính của trúc đào. Họ tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin về độc tính của cây và thắc mắc rằng nếu là cây độc tại sao không chặt đi hoặc có biển cảnh báo? Lý giải thắc mắc này, một số chuyên gia cho rằng có lẽ do trúc đào đẹp lại có hương thơm và phát triển tốt trong mọi điều kiện môi trường nên từ Bắc tới Nam, loại cây này được trồng khá phổ biến, nhiều nhất là ở dải phân cách dọc nhiều tuyến quốc lộ, công viên…

“Điểm mặt” cây, hoa độc

Cũng theo lương y Vũ Quốc Trung, có rất nhiều cây cảnh chứa chất có thể gây độc cho người nếu vô tình bị dính nhựa hay ăn lá và hít phải phấn hoa. Ngoài những loại được nói đến nhiều như trúc đào, huỳnh anh, bã đậu… thì mã tiền, vạn niên thanh, đỗ quyên, hoa loa kèn, xương rồng bát tiên, chuỗi ngọc, cẩm tú cầu, dạ lan, thơm ổi, hồng môn… cũng là những loại cây, hoa có độc tính được trồng và chơi phổ biến.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết có những cây khi tiếp xúc với lượng nhựa lớn, nuốt phải lá hay thân mới gây ngộ độc nhưng cũng có loại cây chỉ ngửi hương thơm của hoa đã đủ gây ra các phản ứng buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu… Vẻ đẹp của hoa lan chuông với những bông hoa trắng muốt như những chiếc chuông bé xinh xinh tỏa hương thơm dịu dàng dễ chịu nhưng ít ai nghĩ rằng chỉ cần vài giọt nước ép từ hoa này cũng đủ làm chết người.
Hay hoa loa thủy tiên dù đẹp nhưng cũng bị “kết tội” vì là thủ phạm gây dị ứng, nếu ăn củ của cây sẽ gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong. Vạn niên thanh được nhiều văn phòng, gia đình trồng để làm cảnh nội thất vì là cây chịu rợp, dễ sống và sống lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng khi tiếp xúc với mủ và rễ sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu.

Không chỉ cây cảnh trong nhà mà ngay cả hoa hồng, hoa loa kèn, hoa ly… để gần phòng ngủ của trẻ nhỏ cũng dễ gây dị ứng. “Có những phụ huynh cứ thắc mắc không hiểu sao con của họ hay bị viêm họng, sổ mũi… nhưng khi tìm hiểu mới biết nguyên nhân là do họ thích cắm hoa và trồng cây trong nhà. Ngay cả quất cảnh - loại cây không thể thiếu trong nhiều gia đình Việt mỗi khi Tết đến Xuân về - cũng không nên đặt trong nhà vì hóa chất người ta dùng để “hãm” cho trái chín tỏa ra sẽ rất độc và nguy hiểm” - bác sĩ Hướng khuyến cáo.

Nên trồng cây thông dụng, lành tính

Theo TS Nguyễn Thị Kim Lý, Giám đốc Trung tâm Hoa cây cảnh (Viện Di truyền Nông nghiệp), khi chọn cây cảnh trồng trong nhà, nhất là gia đình có trẻ nhỏ, nên tham khảo cụ thể loài cây nhằm bảo đảm an toàn. Một số hoa có lông sẽ khiến người ngồi trong nhà hít phải gây dị ứng, mùi hoa nồng nặc gây khó chịu. Để tránh ngộ độc cây cảnh, cách tốt nhất là không nên trồng cây, hoa trong nhà vì trẻ nhỏ hiếu động thấy lạ và đẹp có thể mon men đến chơi hoặc ngắt lá, hạt, hoa để ngửi, ăn.

Ngay cả quan niệm trồng cây để cải thiện phong thủy trong nhà cũng cần quan tâm xem cây ấy có gây hại cho sức khỏe mọi người hay không. TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả), khuyến cáo hiện nay xuất hiện nhiều loại cây mới nên khi trồng hay mua một cây, hoa lạ, nhất là những loại “độc nhất vô nhị”, nên tìm hiểu thật kỹ tài liệu về chúng. Tốt nhất là nên sử dụng những cây thông dụng đã được trồng phổ biến bởi đây là những loại đã được nghiên cứu về những tác động tới sức khỏe và môi trường sống.

Hai mặt của cây thuốc

Nhiều người quan niệm cây cảnh cũng là cây làm thuốc nên trồng trong nhà để… tiện chữa bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, có những loại cây nếu không biết cách chế biến sẽ gây độc.
“Chẳng hạn, hạt mã tiền chín rơi xuống đất thường được nhặt về phơi khô để bào chế làm thuốc chữa bệnh thấp khớp, nhức mỏi tay chân, đau dây thần kinh, bại liệt, nhược cơ, giảm cường kiện ruột, đái dầm, thiếu máu.
Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường, nếu ăn phải hạt mã tiền có thể tử vong vì cực độc. Nhất là với trẻ con, hạt mã tiền rất giống những viên bi nên nhiều cháu coi đó là món đồ chơi và dễ dàng cho vào miệng nhai nên rất nguy hiểm”- bác sĩ Hướng cảnh báo.

Một loại cây khác là lô hội (nha đam) được nhiều người dùng để thanh nhiệt, làm đẹp da, chữa phỏng... Nếu dùng với liều vừa phải sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa nhưng lạm dụng có thể gây ngộ độc, xuất huyết đường tiêu hóa… Với phụ nữ có thai, nếu sử dụng quá liều có thể gây sẩy thai.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo ngô đồng là loại cây cảnh được nhiều người trồng trong nhà vì vẻ đẹp độc đáo của nó và đây cũng là một loại thuốc trị táo bón, lợi sữa, trị chốc lở da.
Thế nhưng toàn thân cây, đặc biệt là củ và hạt, có chứa chất độc curcin gây chóng mặt và buồn nôn nếu ăn phải.
Ông Trung cho biết trong năm 2010, một vụ ngộ độc đã xảy ra ở một trường tiểu học thuộc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) khiến 9 học sinh phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ăn trái ngô đồng.
Vì thế, không chỉ những loại hoa đẹp, quyến rũ mà ngay cả những cây cảnh - cây thuốc cũng phải cẩn trọng vì độc tính.

Theo NGỌC DUNG (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

(PLO)- Bạn muốn ngủ ngon hãy uống trà hoa cúc, hạt rau mùi, ăn hạt nhục đậu khấu... bởi chúng là những loại thực phẩm giúp sản xuất melatonin để ngủ ngon hơn.

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.