Dị ứng thời tiết và những triệu chứng hô hấp

Tuy nhiên, ở giai đoạn này thường dễ phát sinh một số bệnh lý tưởng chừng “xoàng xĩnh” như cúm, dị ứng, đau cổ, đường tiêu hóa… Sau đây là một số cách hạn chế các bệnh lý này.

Mỗi mùa trong năm đều có một đặc điểm riêng về không khí, khí hậu, thời tiết, độ ẩm… dẫn đến rất nhiều tác nhân riêng đặc trưng của từng mùa, như mùa xuân sẽ có nhiều phấn hoa hơn, không khí nóng ẩm sẽ tạo ra nhiều nấm mốc hơn. Từ đây, cộng với việc cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi thời tiết đột ngột đã làm cho dị ứng dễ xuất hiện. Nên lưu ý bị dị ứng vào giai đoạn giao mùa không có nghĩa là bạn bị dị ứng thời tiết mà còn phụ thuộc vào tác nhân gây dị ứng.

Giao mùa - Giao… bệnh

Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với một tác nhân gây dị ứng, cũng như việc tiếp xúc với tác nhân đó nhiều hay ít sẽ dẫn đến triệu chứng khác nhau. Với bệnh dị ứng theo mùa thì có thể nói vui đây là “bộ sưu tập các triệu chứng” của các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường được gọi là viêm mũi dị ứng. Các triệu chứng thường gặp như ngứa mũi, tai, mắt, miệng, họng, da hoặc bất kỳ đâu trên cơ thể; hắt hơi sổ mũi liên tục nhiều lần, chảy nước mũi trong; giảm khứu giác; nặng hơn là nghẹt mũi, ho, ù tai, đau họng, có quầng thâm, phù nề dưới mi mắt, mệt mỏi, nhức đầu và đôi khi cũng ảnh hưởng đến việc xử lý bộ nhớ của não bộ.

Dị ứng thời tiết và những triệu chứng hô hấp ảnh 1

Thời tiết thay đổi làm nhiều người dễ mắc bệnh.

Tùy mức độ nặng nhẹ của hiện tượng dị ứng để quyết định chúng ta có cần điều trị hay không. Trong trường hợp biết rõ tác nhân gây dị ứng để cách ly ngay từ khi mới tiếp xúc thì không cần điều trị. Nhưng không tìm ra các tác nhân này, khi đó chúng ta dùng một số biện pháp như đi ra khỏi nơi mà ta đang đứng, rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý hay nước ấm... Bệnh sẽ phải được khám và điều trị nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai ngày sau khi dùng các biện pháp trên mà không khỏi hoặc nặng hơn như kèm sốt, sổ mũi xanh, mất ngủ, nhức đầu.

Chăm sóc sức khỏe giai đoạn thời tiết chuyển mùa đông-xuân

Trong giai đoạn đông-xuân khí hậu thay đổi rất nhanh: sáng lạnh - trưa nắng - chiều tối lại trở lạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến mọi người với những bệnh liên quan đến đường hô hấp, ngoài viêm mũi dị ứng còn có: hen phế quản, viêm khí-phế quản, viêm xoang, viêm phổi…

Đối với các bệnh về đường hô hấp, nên giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc liên tục. Nếu ngồi trong máy lạnh thì bạn chỉ nên chỉnh nhiệt độ chênh lệch khoảng 1-2 độ so với thời tiết ngoài trời. Một số bạn cho rằng chỉ cần bận quần áo loại dày hoặc thật nhiều lớp là được, điều này có thể không cần thiết và gây tác động ngược. Vì khi đó cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhưng không thoát được lại ngấm ngược vào cơ thể. Các triệu chứng đường hô hấp đa phần tương tự nhau như ho, vướng họng, đàm, khó thở… do đó chúng ta không nên tự chẩn bệnh rồi tự mua thuốc điều trị, sẽ khiến bệnh kéo dài và có thể chuyển thành mạn tính. Riêng bệnh cúm, chúng ta có cách phòng ngừa rất đơn giản và hữu hiệu là: chích ngừa cúm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên bảo vệ những người xung quanh mình. Nếu bạn đang nhiễm bệnh: hạn chế tiếp xúc ở cự ly gần; nên dùng khăn hoặc che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên (đặc biệt là trước và sau khi che miệng ho, chế biến thức ăn, đi vệ sinh...). Điều này không chỉ giúp chúng ta hạn chế tiếp xúc với một số mầm bệnh liên quan đường hô hấp mà còn là các bệnh khác.

BS TRẦN THANH TRÁC, Chuyên khoa Tai Mũi Họng,Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm