Đồng Nai chi 10 tỉ đồng phòng, chống bệnh tay-chân-miệng

Theo đó, tỉnh sẽ họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và thành lập các đoàn giám sát công tác phòng, chống dịch ở các huyện, thị; xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh này trên toàn tỉnh; cấp phát thuốc Chloramin B tới các hộ gia đình có trẻ dưới sáu tuổi.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trong hai tuần đầu của tháng 7, số bệnh nhân mắc và chết do bệnh này đã giảm. Tuy nhiên, những ngày gần đây số ca mắc và chết do bệnh này tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trở lại. Hiện tỉnh ghi nhận có khoảng 2.681 trường hợp mắc và 14 ca tử vong.

Hiện chưa có trường mẫu giáo, mầm non nào ở Đồng Nai phải đóng cửa vì bệnh này. Toàn tỉnh đã tiến hành xong hai đợt khử trùng ở các trường mầm non và nhóm gia đình. Tại BV Nhi đồng Đồng Nai mỗi ngày có trên 40 bệnh nhân tay-chân-miệng nhập viện. Bệnh nhân đông nên phải nằm ghép hai ca chung một giường, một số bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang.

Ngày 22-7, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cho biết tính đến thời điểm này, trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng nhập viện là 1.200 ca, có sáu ca tử vong, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2010. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 60-80 ca bệnh mới. Hiện tại có đến 13 trẻ bị nặng, nhiều trẻ phải lọc máu.

Về vấn đề tay-chân-miệng trên người lớn, BS Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: Trên thế giới vẫn có người lớn mắc bệnh này. Tuy nhiên, do người lớn đã có miễn dịch sẵn nên số người mắc là rất hiếm, từ trước đến nay TP.HCM chỉ có 1-2 ca. Đường lây truyền bệnh trên người lớn cũng giống hệt trẻ nhỏ.

NGUYÊN LỘC - D.TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm